Thời gian gần đây, TPHCM cho phép đốn hạ nhiều cây xanh để mở rộng một số tuyến đường giao thông quan trọng. Việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân thành phố.
Từ đầu tháng 4, TPHCM cho phép đốn hạ nhiều cây xanh tại một số quận, huyện và TP Thủ Đức để phục vụ các dự án giao thông trọng điểm, như Dự án đường sắt đô thị metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương); Dự án mở rộng đường vào Sân bay Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức)… Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) có thông báo đến các đơn vị liên quan về việc khởi công công trình gói thầu di dời cây xanh thuộc dự án xây dựng tuyến metro số 2. Trong đó, hơn 450 cây xanh dọc các tuyến đường Lê Lai, Trương Định, Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh nằm trong kế hoạch được đốn hạ, di dời để thi công dự án.
Tương tự, để phục vụ dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (dài khoảng 800m, tại quận Tân Bình), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (BQL) cũng cho biết, khoảng gần 100 cây xanh phải di dời hoặc đốn hạ do khối lượng cây xanh ảnh hưởng khá lớn tới mặt bằng dự án. Theo đại diện BQL, số cây bị đốn hạ để lấy mặt bằng thi công vì khó sống. Riêng phần gỗ thu được sẽ giao Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TPHCM bán đấu giá, nộp vào ngân sách. Ngoài ra, sau khi hoàn thành mở rộng đường, vỉa hè tại khu vực dự án, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành trồng lại những cây xanh mới, đảm bảo mỹ quan và mảng xanh đô thị.
Tại TP Thủ Đức, để phục vụ Dự án Xây dựng nút giao An Phú là nút giao thông huyết mạch giữa khu đông với khu vực trung tâm TPHCM, UBND TP Thủ Đức cũng đã cấp giấy phép để chặt hạ, dịch chuyển cây xanh cho BQL. Theo đó, BQL được phép chặt hạ, dịch chuyển hơn 200 cây xanh trong phạm vi thi công dự án. Không chỉ phải di dời hoặc đốn hạ số lượng cây xanh khá lớn để phục vụ các dự án giao thông và dự án hạ tầng đô thị, từ đầu năm đến nay, TPHCM cũng đã buộc phải sử dụng giải pháp tương tự khi bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án trọng điểm như Dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý IV năm 2024). Có thời điểm, khoảng 1.300 cây xanh tại các tuyến đường huyết mạch như đường Mai Chí Thọ (nối TP Thủ Đức và các quận 1,3,6,8) và khu vực công viên Hoàn Văn Thụ (quận Tân Bình) được đưa vào kế hoạch di dời...
Việc liên tiếp nhiều mảng xanh đô thị bị di dời hoặc đốn hạ để phục vụ các dự án, ông Trần Văn Long - Trưởng đoàn giám sát dự án của Công ty CP Vinhomes cho rằng, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ sức ép trong quá trình đô thị hóa. TPHCM là đô thị đầu tàu cả nước và cũng là “công trường xây dựng” của cả nước trong nhiều năm qua. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc phải bỏ đi lợi ích của hệ thống cây xanh hiện hữu để phục vụ các dự án trọng điểm của TPHCM và khu vực là tất yếu trong quá trình đô thị hóa. Điều lưu tâm ở đây là quá trình phục hồi cây xanh cho các khu vực dự án cần phải được xây dựng cho lâu dài, bền vững, có kế hoạch trồng mới bổ sung qua hàng năm.
Vào thời điểm TPHCM phải đốn hạ nhiều cây xanh trên tuyến đường Lê Lợi (quận 1) để phục vụ một hạng mục thuộc tuyến đường sắt metro số 1, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM từng đưa ra đề xuất về phương án làm mái che vỉa hè cho tuyến đường này để tăng tính hấp dẫn, tạo không gian thương mại, mua sắm dọc tuyến đường. Đề xuất này căn cứ trên thực tiễn sau khi tuyến metro số 1 hoàn trả mặt bằng, đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng và giao thông thông thoáng. Dù vậy, phương án này vào thời điểm đó cũng đã có nhiều ý kiến dư luận trái chiều. Bởi vì, hiện trạng tuyến đường sau khi được dự án metro số 1 hoàn trả, sẽ không thể bố trí mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước.