Giới chuyên gia dự báo, thời gian tới có đến khoảng 50% các vụ vi phạm hàng giả, trên không gian mạng. Tuy nhiên, công tác xử lý thực trạng này vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp, quy định của pháp luật chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống.
Hàng giả tràn lan trên thương mại điện tử
Giới chuyên gia lĩnh vực bán lẻ nhận định, thương mại điện tử có phạm vi rộng, xuyên biên giới, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 30 - 35% mỗi năm. Năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng cũng đang khiến nhà quản lý đau đầu. Các chuyên gia cũng cảnh báo thương mại điện tử đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” của hàng giả, hàng nhái.
“Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” - ông Lê Huy Anh - Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam nêu lên thực trạng: “Một số sàn thương mại điện tử bán đồng hồ của Thụy sĩ mà chưa đến 1 triệu đồng; quần áo, giày dép, mỹ phẩm chính hiệu của nước ngoài bán vài trăm nghìn. Hàng có thương hiệu nổi tiếng mà giá rẻ bán tràn lan trên mạng”.
Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ đã lan tràn khắp nơi cả ở không gian thật lẫn không gian ảo. Tuy nhiên, việc xử lý dường như chưa khiến các đối tượng phải e dè.
Nhiều lỗ hổng trong quản lý
Theo các cơ quan quản lý thị trường, trên môi trường mạng internet rất khó xác định hàng giả, nguồn gốc hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng trực tuyến, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng, chủ yếu sử dụng dịch vụ vận chuyển để giao hàng. Có trường hợp các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc... gây khó khăn cho công tác điều tra. Mặt khác, công tác giám sát việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sàn thương mại điện tử còn chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng văn phòng đại diện, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam tại TPHCM, công tác xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng thực hiện tương tự như môi trường thật. Có nhiều hành vi bị xử lý hành chính, dân sự đến hình sự, thế nhưng có nhiều điểm liên quan đến xử phạt hàng giả trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội hiện nay chưa phù hợp. Luật chưa theo kịp với thực tế cuộc sống. Đơn cử, kinh doanh dược phẩm bán 1 liều thuốc tiêm có giá 20 triệu đồng, 1 chai rượu bán ra 180 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, một điện thoại Thụy Sĩ giá 3 - 5 tỷ đồng. Nếu những mặt hàng này bị làm giả sẽ là siêu lợi nhuận nhưng xử phạt hành chính tối đa chỉ 250 triệu đồng cho cá nhân và 500 triệu đồng cho tổ chức. Mức xử phạt này quá nhẹ so với lợi nhuận các đối tượng kiếm được. Chưa kể, tiền xử phạt hành chính sẽ thuộc vào ngân sách Nhà nước chứ không bồi thường cho người bị xâm phạm, người bị hại nên càng khó khăn hơn.
Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc kiểm soát hàng giả tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn thương mại đối với hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.