Xét tuyển sớm vào đại học trước khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc thiếu công bằng, làm tăng lượng thí sinh ảo, tác động không tốt đến giáo dục phổ thông; nên bỏ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng các trường đại học không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, các phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt.
Xét tuyển sớm là phương thức đã và đang được hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng để tuyển sinh. Với phương thức này, thí sinh có thể biết mình trúng tuyển đại học trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).
Tại Hội nghị giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức mới đây, phương thức xét tuyển sớm nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ lãnh đạo các trường đại học. Phần lớn cho rằng, cần phải xem xét và siết chặt phương thức này để phát huy hiệu quả và đảm bảo tính công bằng.
Đáng chú ý khi PGS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng chỉ nên tuyển sinh một lần duy nhất qua mạng, điều này giúp thí sinh có sự công bằng hoàn toàn và nên bỏ phương thức tuyển sinh sớm khi học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Còn theo PGS Lê Thành Bắc - Đại học Đà Nẵng, đa phần học sinh khi đã trúng tuyển sớm gần như không tập trung hết khả năng để thi tốt nghiệp THPT, các em chỉ cần đỗ tốt nghiệp, không cần đạt điểm cao; trong khi tỷ lệ ảo của phương thức xét tuyển sớm những năm vừa qua ở mức rất cao, khoảng 200-300%. Từ đó, PGS Bắc đề nghị từ năm 2025 Bộ GDĐT nên có quy định chỉ được công bố trúng tuyển sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tương tự, PGS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, mặc dù ưu điểm của xét tuyển sớm là giúp người học yên tâm nhưng nhiều khi yên tâm quá lại dẫn đến chủ quan với các nhiệm vụ học tập ở giai đoạn cuối lớp 12.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. “Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ GDĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau" - ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng các đại học tự chủ có tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.
Cũng cần lưu ý, tại danh mục công bố của Bộ GDĐT có 20 tới phương thức xét tuyển đang được áp dụng, trong đó có hơn 10 phương thức không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quá nhiều phương án như vậy không chỉ khiến các trường đại học, trường TPHT mà cả học sinh, phụ huynh học sinh cũng bối rối.
Thực tế cho thấy, phương thức xét tuyển sớm đã tạo tâm lý lo lắng cho thí sinh bởi khi thấy bạn bè xét tuyển sớm mình cũng phải lo xét tuyển sớm. Không chỉ vậy, những thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm cũng xuất hiện tư tưởng chủ quan, xao nhãng trong học tập. Bên cạnh đó, với cơ sở giáo dục, xét tuyển sớm làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo tỷ lệ nhập học.
Cũng thật đáng tiếc, thời gian qua việc xét tuyển sớm đã không nhiều tích cực khi mà theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) năm 2022 và năm 2023, một số phương thức xét tuyển sớm có tỷ lệ nhập học dưới 1%. Trúng tuyển sớm sau lọc ảo là hơn 301.800 thí sinh. Số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo) là cũng chỉ hơn 147.300.
Được biết, việc “lọc ảo” mùa tuyển sinh năm nay được thực hiện 6 lần trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 đến 17 giờ ngày 17/8/2024. Lần lọc ảo cuối cùng sẽ hoàn thành vào 16 giờ ngày 17/8/2024.
Vậy, liệu việc lọc ảo rất công phu ấy có mang tới sự công bằng cho thí sinh và cách xét tuyển sớm đã nên chấm dứt?