'Lộc trời' dưới tán rừng sú vẹt

Trịnh Đình Minh 23/06/2023 09:08

Những cánh rừng ngập mặn với cây sú vẹt ven biển không chỉ bảo vệ đất liền khỏi những cơn bão dữ, mà còn là nơi mưu sinh của nhiều người dân vùng ven biển. Họ khai thác những thứ từ tạo hóa ban tặng nằm trong sình lầy; tận dụng cánh rừng xanh thẳm để lấy mật ong giúp tăng thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Khi thủy triều xuống, người dân lại vào những tán rừng sú vẹt ở các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa) tìm “lộc trời”.

Nuôi ong nơi rừng ngập mặn

Ông Bùi Chí Công - Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chỉ tay về khu rừng ngập đến nửa thân cây khi nước thuỷ triều dâng kịch điểm, nói: Người dân địa phương ở nơi này tưởng tượng rằng, những cánh rừng ngập mặn như những cánh tay dang ra ôm lấy đất liền. Xã Đa Lộc hiện có 400 ha rừng ngập mặn, trong đó chủ yếu là cây sú vẹt và cây bần chua. Cây sú vẹt ra hoa từ tháng 5 cho tới tháng 7, còn cây bần chua thì ra hoa quanh năm. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực này còn có những loại cây khác như nhãn, vải... là những loài cây khi trổ hoa sẽ mang lại nguồn thức ăn dồi dào đối với người nuôi ong.

Để thuận tiện di chuyển trên những bãi bồi và trong rừng sú vẹt, nhiều người đã đóng những chiếc xe bằng gỗ có ván trượt, lướt đi trên mặt bùn.

Gia đình ông Trần Duy Trái, ở thôn Đông Thành (xã Đa Lộc) là một trong những hộ dân có thâm niên lâu năm sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi ong nơi rừng cây sú vẹt. Ông là người tiên phong trong phong trào nuôi ong ở địa phương, với thâm niên hơn 30 năm. Ông Trái nhớ lại: “Tôi rời quân ngũ năm 1990, khi trở về quê hương chỉ có vài ha rừng ngập mặn, chưa nhiều như bây giờ. Đang tuổi thanh niên, loay hoay tìm việc làm chưa được thì trong một lần tình cờ tôi sang nhà ông cậu ở huyện Nga Sơn chơi, thấy cậu nuôi mấy đàn ong mật. Tôi rất tâm đắc. Rồi cậu tôi bày cách, ở quê cháu cũng có rừng ngập mặn, cháu về tận dụng nuôi ong mà lấy mật xem sao. Ít hôm sau, ông cậu cấp cho tôi mấy đàn ong về nuôi ở khu rừng ngập mặn xã Đa Lộc”.

Nhờ vào nguồn giống và được hướng dẫn kỹ thuật một cách kỹ càng từ ông cậu, việc nuôi ong của ông Trái rất suôn sẻ. Ngay vụ đầu tiên, ông Trái thu được 10 kg mật/đàn. Đến nay, ông đã phát triển tới 30 đàn ong, bình quân cũng được khoảng 12 kg mật/đàn, tương đương khoảng 2 triệu đồng tiền lãi/đàn. Bình quân, mỗi năm “lộc trời” dưới cánh rừng sú vẹt giúp gia đình ông Trái có thêm nguồn thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng, trang trải cuộc sống.

Sau thành công trong việc nuôi ong của ông Trái nhờ vào rừng ngập mặn, nghề nuôi ong ở vùng đất Đa Lộc trở nên phổ biến hơn. Có rất nhiều gia đình ở vùng ven biển này trở nên khá giả một phần nhờ vào “lộc trời” nơi biển cả.

Ông Trần Xuân Lâm, trú thôn Yên Hòa là Tổ phó Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc, cho biết nghề nuôi ong vốn có ở xã từ lâu. Song, kể từ thời điểm có rừng ngập mặn, nghề này mới thực sự phát triển. Nuôi ong theo hoa, rừng mở ra đến đâu, nghề nuôi ong phát triển đến đó. Lúc đầu ở xã chỉ có một vài hộ nuôi, sau đã mở rộng lên vài chục hộ. Đến năm 2017, Chi hội nuôi ong xã Đa Lộc thuộc Hội làm vườn và trang trại xã Đa Lộc ra đời, với 65 hộ thành viên. Sang năm 2018, Dự án Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ cho người nuôi ong trong xã về giống, kỹ thuật nuôi, phương pháp lấy mật, giới thiệu sản phẩm...

Sau một thời gian triển khai thấy hiệu quả, dự án GCF đã thực hiện các bước tiếp theo để tiến tới thành lập Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc. Hiện nay đã có 20 hộ đăng ký tham gia vào tổ hợp tác. Đây là những hộ đi tiên phong để sau này phát triển lên các mô hình tổ hợp tác, HTX, cũng là hợp phần sinh kế của Dự án GCF - UNDP tài trợ. Dự án GCF đang giúp đỡ tổ hợp tác làm các thủ tục thành lập, hướng dẫn tìm thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kỹ thuật nuôi, giúp các hộ đầu tư máy tinh lọc mật ong tách nước và tạp chất nhằm nâng cao chất lượng giá trị mật, tiến tới xây dựng sản phẩm mật ong rừng sú vẹt trở thành sản phẩm OCOP của xã. Thông qua các lớp tập huấn, các thành viên tổ hợp tác đã được nâng cao kiến thức nuôi ong và kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu trong nước và quốc tế.

Đi dọc tuyến đê biển xã Đa Lộc vào dịp này, hoa sú vẹt đã bắt đầu nở trắng những cánh rừng như báo hiệu người dân vùng ven biển nơi này sẽ có một mùa mật bội thu.

Nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt.

“Lộc” cả dưới lớp bùn lầy

Nếu như trên những cánh rừng sú vẹt ven biển người dân Hậu Lộc, Nga Sơn tận dụng nguồn hoa để nuôi ong lấy mật thì dưới mặt nước biển trong cánh rừng mang lại cho bà con nguồn hải sản thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày. Khi nước thủy triều xuống, những người dân ven bãi bồi vào những tán rừng sú vẹt mưu sinh. Đa phần họ là những người phụ nữ, không có khả năng đi biển xa, mưu sinh quanh các bãi bồi.

Bà Hồ Thị Tiến (57 tuổi, ở xã Nga Tiến, Nga Sơn) cho biết hàng ngày, từ sáng sớm bà cùng nhiều người đã chuẩn bị dụng cụ với chiếc xô nhựa, ủng, găng tay để bắt cáy, cua trong rừng sú vẹt. Tùy theo chiều con nước, việc bắt cáy của bà con có thể bắt đầu từ sáng sớm cho đến 9, 10 giờ sáng hoặc từ giữa đêm cho đến sáng sớm hôm sau.

Công việc này đã gắn bó với bà Tiến từ thời con gái nên đường đi lối lại ở khu vực bãi bồi trở nên quen thuộc như từng ngóc ngách trong căn nhà của mình. Bà Tiến nói rằng, cáy thường làm tổ dưới lòng đất, lúc đi kiếm ăn mới bò lên. Với những người thợ có kinh nghiệm, việc bắt cáy rất dễ dàng bởi có thể phát hiện ra tổ của chúng ở đâu, di chuyển như thế nào và vùng nào chúng tập trung sinh sống. Khi rừng ngập mặn được mở rộng hơn thì nguồn cáy sinh sống dưới lớp bùn đất càng dồi dào hơn.

“Thời điểm này, mỗi buổi tôi có thể bắt được 4-5kg cáy. Do thời tiết nắng nóng nên giá cáy dao động khoảng 60.000 đến 80.000 đồng/kg mà cung không đủ cầu. Chính vì vậy, tôi cũng kiếm được khoảng 400 - 500 nghìn đồng/ngày, đó là một khoản thu nhập rất đáng kể đối với những người phụ nữ ở nơi này” - bà Tiến cho biết.

Mỗi năm những dải rừng sú vẹt ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc... lại mở rộng thêm. Diện tích rộng lớn cùng với độ mặn phù hợp được xem là nơi lý tưởng cho các loài ốc, cáy, cua... sinh sản, phát triển quanh năm, nhờ vậy người dân có thể hành nghề suốt 4 mùa. Để thuận tiện di chuyển trên những bãi bồi và trong rừng sú vẹt, nhiều người đã đóng những chiếc xe bằng gỗ có ván trượt, lướt đi trên mặt bùn.

Người dân mò cua, bắt cáy dưới lớp bùn lầy.

Bà Nguyễn Thị Bổn, trú xã Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc) chuyên nghề bắt ốc xoắn cho biết: Công việc tương đối vất vả, mang lại nguồn thu nhập không cao nhưng cũng đủ để giúp gia đình bà có khoản chi tiêu trong ngày. Trung bình mỗi buổi, một người đi bắt ốc được khoảng 10kg. Hiện giá bán ốc xoắn dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Có người thì đi bắt cá nác hoa, giá bán cá nác hoa đang dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Người dân phấn khởi.

Cá nác hoa thường ở vùng bãi bồi, được “săn” bằng bẫy kẹp hoặc dùng tay đào những hang sâu dưới bùn để bắt cá. Những loài thuỷ sản như ốc, cáy, cua, hàu, cá nác hoa… đã trở thành món ăn đặc sản của các địa phương ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa) và đang được khách hàng tìm mua ngày càng nhiều. Người dân mưu sinh trong rừng ngập mặn quanh năm, nhưng mùa săn bắt chính là từ mùa xuân cho đến hết hè. Là “lộc trời”, người dân luôn nhắc nhở nhau không được săn bắt quá mức theo cách tận thu, mà cần gìn giữ và bảo vệ rừng ngập mặn cùng các loài sinh vật để làm nguồn sinh kế bền vững, lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Lộc trời' dưới tán rừng sú vẹt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO