Kinh tế

Logistics kìm hãm xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ

Thanh Giang 31/07/2024 15:20

Thông tin trên được nhiều ý kiến chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ, do Bộ Công thương tổ chức ngày 31/7, tại TPHCM.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam bộ có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TPHCM, các tuyến cao tốc;…

Kết quả trên cho thấy khí thế mới, cách làm mới, tư duy, phương pháp luận mới và cách tổ chức thực hiện mới của vùng Đông Nam bộ.

container-1.jpg
Logistics vùng Đông Nam bộ chưa được đánh giá cao vì yếu và thiếu liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Đánh giá cao sự phát triển nổi trội của vùng Đông Nam bộ, song bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM lại bày tỏ sự lo lắng về thực trạng logistics hiện nay.

Theo bà Lý Kim Chi, cơ sở hạ tầng kho bảo quản, kho lạnh thiếu hụt đang ảnh hưởng lớn tới ngành lương thực thực phẩm, làm giảm thời gian lưu trữ và làm tăng tỷ lệ hư hỏng hàng hoá.

Với góc độ địa phương, ông Lê Văn Danh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có chút băn khoăn về việc phát triển logistics phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Danh kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, đặc biệt, là hướng dẫn chi tiết về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc thực hiện Đề án “nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.

Trong đó, có những nội dung về đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy nghành dịch vụ logistics, hình thành các doanh nghiệp logistics lớn.

vla-1.jpg
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam chia sẻ giải pháp cho logistics phát triển đồng bộ, hỗ trợ xuất nhập khẩu.

Trước những băn khoăn về yếu kém logistics của vùng Đông Nam bộ, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, VLA đang liên kết chặt chẽ với các Hiệp hội triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ. Việc này nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá cho Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng.

VLA còn kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ VLA thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu và triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho ngành logistics, quản lý chuỗi cung ứng.

Song song đó, hỗ trợ VLA thúc đẩy các dự án logistics hàng không phục vụ cho nông sản, trong đó có vận tải hàng không chuyên biệt cho nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Logistics kìm hãm xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ