Lợi cả đôi đường

Lê Anh Đức 16/11/2016 11:10

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần đưa sim số đẹp và biển số xe đẹp vào danh mục tài sản nhà nước và mang ra bán đấu giá, vừa để tăng thu ngân sách, phục vụ an sinh xã hội, vừa để góp phần triệt tiêu tham nhũng, tiêu cực và nạn cò mồi gây nhức nhối xã hội bao lâu nay. Ý kiến trên của các đại biểu Quốc hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, bởi rõ ràng

Lâu nay ai cũng biết có một hiện tượng tiêu cực gây nhức nhối xã hội là nạn cò mồi đăng ký biển số xe đẹp. Ai cũng biết nhưng hoạt động tiêu cực mua bán biển số xe đẹp mặc dù không được pháp luật cho phép, song nó lại diễn ra “nửa kín, nửa hở” không thể dẹp được. Ngành công an khá “đau đầu” với vấn nạn tiêu cực “bán chui” biển số xe đẹp nhưng lại chưa có giải pháp hữu hiệu nào có thể ngăn chặn, dù đã hết sức cố gắng. Không ít người chịu “chơi” bỏ ra một khoản tiền nhất định thông qua “cò” để có một biển số xe đẹp.

Hàng vài thập kỷ nay, kể từ khi ngành công an dùng biện pháp bấm số ngẫu nhiên để lấy số đăng ký xe, người ta vẫn biết có chuyện tiêu cực về việc xin - cho biển số xe đẹp, nó diễn ra gần như công khai nhưng lại chẳng bao giờ bị phát hiện hoặc xử lý. Biết thì biết vậy, nhưng làm gì có “chứng cứ” về việc mua bán biển số xe đẹp để mà tố cáo, để mà làm cho trắng đen phân minh.

Đó là câu chuyện về biển số xe, còn thị trường mua bán sim số đẹp cũng “nhộn nhịp” chẳng kém. Chỉ cần lên google search với từ khóa “sim số đẹp” thì lập tức có hàng triệu kết quả với cơ man là những cửa hàng bán sim số đẹp từ tứ quý, lộc phát đến ngày tháng năm sinh... Những người sành điệu muốn sở hữu một sim số theo ý thích chỉ cần bỏ ra một khoản tiền tương ứng tùy theo “mức đẹp” thì sẽ được phục vụ chu đáo. Sim đẹp dựa trên cơ sở ý thích và quan niệm của người sử dụng nên nó cũng có những mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đồng tới vài chục triệu đồng, thậm chí là cả trăm triệu đồng cho một sim số đẹp.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu số tiền bán sim và biển số xe đẹp được nộp vào ngân sách nhà nước, dành chi cho việc xây dựng những công trình phúc lợi công cộng, hay dành để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, các khoản tiền có được từ việc bán chui sim số đẹp và biển số xe đẹp lại mặc định chảy vào túi một số cá nhân, một nhóm người... Vậy thì tại sao lại không thực hiện bán đấu giá sim số đẹp và biển số xe đẹp vừa để góp phần dẹp bỏ các vấn nạn xã hội, vừa để tăng nguồn thu của Nhà nước phục vụ xã hội và cộng đồng?!

Việc các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề đấu giá sim và biển số xe đẹp sung công quỹ và làm những việc có ích cho xã hội đang thu hút sự quan tâm của dư luận và được đông đảo người dân ủng hộ. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cũng cho rằng: Số điện thoại, biển số xe đẹp cũng là tài sản, và phải xác lập quyền của Nhà nước với tài sản đó. Sau khi được Quốc hội thông qua Dự thảo luật, Bộ Tài chính sẽ cụ thể hóa các nhóm tài sản công đồng thời hoạch định cơ chế quản lý số tài sản đó.

Đồng quan điểm với việc nên đưa số điện thoại, biển số xe đẹp vào diện tài sản nhà nước để quản lý và bán đấu giá công khai. Song, một số ý kiến còn băn khoăn về khái niệm thế nào là sim và biển số xe đẹp. Bởi nếu dù có hành lang pháp lý về việc bán đấu giá sim số đẹp và biển số xe đẹp, nhưng lại thiếu quy chuẩn cụ thể để xác định cái sự “đẹp” thì e rằng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra sự lộn xộn, bát nháo, tiêu cực bán chui sim và biển số xe đẹp. Đơn cử, với một sim số hoặc một biển số xe, khi không có quy chuẩn thì người ta có thể nói rằng “không đẹp” nên không phải đấu giá, nhưng lại vẫn có thể bán cho không ít người muốn mua. Trong trường hợp này, số tiền bán được sim hay biển số “không đẹp” đó, há không phải lại rơi vào túi cá nhân hay sao?

Trong những năm qua, việc mua bán số điện thoại và biển số xe đẹp do không được quản lý nên đã trở thành miếng đất cho tiêu cực, một số cá nhân lợi dụng để trục lợi. Đã đến lúc, cần có hành lang pháp lý để quản lý những tài sản công nói trên. Đương nhiên, để có thể đưa việc bán đấu giá số điện thoại và biển số xe đẹp vào luật hoặc các văn bản dưới luật thì cần có sự nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để nó trở thành khả thi khi triển khai áp dụng trong thực tế. Song, thiết nghĩ cũng không đến nỗi quá phức tạp để hiện thực hóa chủ trương lợi cả đôi đường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi cả đôi đường