Ngày 3/7, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại 458 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại CP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).
Hội đồng xét xử tiến hành thẩm tra lý lịch của các bị cáo, trước khi đại diện cơ quan công tố công bố bản cáo trạng. (Ảnh: Hồng Phúc).
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành thẩm tra lý lịch của nhóm các bị cáo bị cáo buộc về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB; Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng GĐ ngân hàng MHB); Lữ Thị Thanh Bình (nguyên Tổng GĐ Công ty MHBS) cùng nhiều cán bộ ngân hàng MHB và công ty MHBS. Nhóm các bị cáo “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng có mặt đầy đủ tại tòa, gồm Bùi Thanh Hưng (nguyên Phó Tổng GĐ); Bùi Hồng Minh (nguyên Trưởng Ban Quản lý nguồn vốn); Nguyễn Văn Thanh (nguyên kế toán trưởng) và Bùi Sĩ Hiếu (nguyên GĐ Sở giao dịch ngân hàng MHB).
Cáo trạng của Viện KSND cáo buộc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHBS) chính là “sân sau” của các cựu lãnh đạo ngân hàng MHB, mục đích giúp các bị cáo này chuộc lợi cá nhân, gây thiệt hại cho chính ngân hàng này.
Theo đó, vào năm 2006, Ngân hàng MHB thành lập Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (Công ty MHBS). Sau đó, lấy danh nghĩa của chị gái, nguyên Chủ tịch HĐQT của MHB đã góp số vốn khủng 13,8 tỷ đồng vào MHBS.
Tương tự, nguyên Tổng GĐ của MHB góp 2,7 tỷ đồng. Sau đó, hai bị cáo tiếp tục thông qua chủ trương cho phép Sở giao dịch ngân hàng MHB chuyển gần 5.000 tỷ đồng sang MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan Công an điều tra phát hiện thực chất của giao dịch này chính là tạo điều kiện cho MHBS hợp thức hóa các khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn khác nhau tại nhiều chi nhánh của MHB, sau đó mua trái phiếu Chính phủ của chính ngân hàng này. Hành vi trên của các cựu lãnh đạo MHB và đồng phạm đã khiến chính ngân hàng thiệt này hại hơn 349 tỷ đồng.
Hai cựu Chủ tịch HĐQT và Tổng GĐ của Ngân hàng MHB cùng các đồng phạm tại tòa. (Ảnh: Hồng Phúc).
Về “dòng tiền” sai phạm chảy về đâu, cơ quan công tố cũng đã xác định được các cựu lãnh đạo MHB và đồng phạm mở một tài khoản cá nhân để tự mua bán chứng khoán, hành vi này một lần nữa tiếp tục gây thiệt hại hơn 108,3 tỷ đồng cho MHB.
Trong đó, các bị cáo Phan Ngọc Nhân tư lợi 930 triệu đồng; Lê Nguyên Ngọc hưởng 568 triệu đồng; cựu Chủ tịch HĐQT - Huỳnh Nam Dũng hưởng 460 triệu đồng; Trương Thanh Liêm hưởng 280 triệu đồng; Lê Việt Hùng hưởng 151 triệu đồng và Đoàn Hồng Ngọc hưởng lợi 131 triệu đồng (Tổng thiệt hại mà các bị cáo này gây thiệt hại cho ngân hàng MHB là gần 458 tỷ đồng).
Đến năm 2015, ngân hàng MHB sát nhập vào Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Do đó, BIDV là nguyên đơn dân sự trong vụ án, có cử đại diện tại tòa.
Hôm nay, vụ án sẽ tiếp tục được xét hỏi.