Lỗi tại ai?

Lê Anh Đức 26/10/2016 13:05

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa tàu hỏa và xe ô tô ở Thường Tín (Hà Nội) khiến 6 người thiệt mạng vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông, cũng như sự tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Chỉ vì sự bất cẩn, vội vàng mà không ít người đã phải trả một giá đắt bằng chính sinh mạng của mình và những người xung quanh. Song, cũng có không ít trường hợp lái xe và hành khách “chết oan” do lỗi của cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ bảo vệ nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Tính đến trưa ngày 24/10, thêm một nạn nhân nữa tử vong tại bệnh viện nâng tổng số người chết trong vụ tai nạn lên con số 6. Hiện, chỉ còn duy nhất một người sống sót đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. 7 người ngồi trong chiếc xe ô tô, đã có 6 người chết, trong đó có 3 cô gái trẻ khiến không chỉ những người chứng kiến mà ngay cả những người chỉ nghe kể lại cũng đã thấy “rợn tóc gáy”. Điều đáng nói là những cái chết thương tâm này lại không phải là hy hữu hay lần đầu xảy ra, mà đã có không ít những trường hợp tương tự trước đó.

Hiện, các cơ quan có trách nhiệm đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm trên. Song, theo lý giải của một số người có trách nhiệm trong ngành đường sắt thì nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe BKS 30A-602.25 đã không chú ý đến tín hiệu cảnh báo có tàu (đèn và chuông tự động) khi đi qua đường sắt nên mới dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc nói trên. Với cách lý giải trên của ngành đường sắt thì dư luận xã hội đang hiểu theo hướng: Vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và chiếc xe BKS 30A-602.25 hoàn toàn là do lỗi chủ quan của lái xe chứ ngành đường sắt thì vô can.
Và đương nhiên là dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền, một số cơ quan truyền thông đã hùa theo hướng này rồi “chụp” cho lái xe ô tô cơ man nào là tội như: Vi phạm Điều 4, Điều 25 Luật Giao thông đường bộ, Khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự... Chưa bàn đến chuyện hiện tài xế đang bị thương nặng nằm cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức có qua khỏi được không để mà “truy cứu trách nhiệm hình sự”, chỉ riêng việc hiện cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra kết luận cuối cùng về lỗi của lái xe ô tô đến đâu, nên chúng ta cần thận trọng hơn trong việc đưa ra những ý kiến chủ quan, áp đặt, buộc tội như tòa tuyên án.

Tại nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên, ngành đường sắt cũng đã lắp đặt barie để đảm bảo an toàn. Song, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe ô tô BKS 30A-602.25 thì rào chắn không được hạ xuống do không có người trực. Giải thích cho việc này, ngành đường sắt nói rằng nhân viên của họ hàng ngày chỉ trực từ 7h sáng cho đến 22h đêm. Điều này đồng nghĩa với việc vào khung giờ từ 22h đêm hôm trước tới 6h59 ngày hôm sau, người tham gia giao thông tại điểm giao cắt này phải tự đảm bảo tính mạng và tài sản của bản thân và những người xung quanh.

Theo cách lý giải của ngành đường sắt về việc tại điểm giao cắt này đã có chuông và đèn cảnh báo tự động thì việc xảy ra tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và phương tiện giao thông đường bộ lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vậy xin hỏi ngành đường sắt còn lắp đặt thêm rào chắn và cử người trực bảo vệ từ 7h sáng đến 22h đêm để làm gì? Đó không phải là sự dư thừa lãng phí tiền bạc và nhân lực hay sao? Còn nếu phải có rào chắn và nhân viên bảo vệ túc trực thì mới đảm bảo an toàn nơi giao cắt thì ngành đường sắt đã không làm tròn chức trách được giao khi bỏ trống khung giờ từ 22h đêm hôm trước tới 6h59 sáng hôm sau.

Lâu nay trong xã hội người ta có thói quen là mỗi khi xảy ra một vụ việc đáng tiếc nào đấy thì lập tức nhảy ngay ra khỏi cuộc, đồng thời không ngừng đổ lỗi cho nhau. Tại sao chúng ta không thể có thói quen văn minh hơn, nhân hậu hơn là trước mắt hãy biết cảm thông, chia sẻ với người bị nạn, còn về lâu dài thì hãy tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp để khắc phục triệt để, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc tương tự. Vậy nên dư luận cho rằng, thay vì “đổ lỗi” cho lái xe ô tô BKS 30A-602.25, ngành đường sắt hãy có động thái hỏi thăm, chia sẻ với người bị nạn, đồng thời cử người trực 24/24h tại điểm giao cắt này.

Người đứng đầu ngành đường sắt hãy học cách ứng xử của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp nhận thông tin về vụ tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt đau lòng nói trên. Mặc dù bận giải quyết trăm công nghìn việc to lớn của đất nước, Thủ tướng vẫn dành thời gian gửi lời động viên, thăm hỏi, chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe ô tô BKS 30A-602.25. Vậy mà với “vai” là đơn vị có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn thì ngành đường sắt lại chỉ biết đổ lỗi cho lái xe bất cẩn nên mới xảy ra tai nạn.

Hiện, trên toàn quốc có hàng nghìn đường giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó có nhiều điểm giao cắt chưa được các cơ quan có trách nhiệm lắp đặt cảnh báo bằng đèn, chuông và rào chắn, đó là chưa kể có những điểm giao cắt đã lắp rào chắn nhưng lại thiếu người trực nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông giữa phương tiện giao thông đường bộ với tàu hỏa rất cao. Vậy nên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bản thân và những người xung quanh, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cần cẩn trọng hơn khi qua các giao cắt đường bộ - đường sắt, tránh để đến lúc tai nạn xảy ra rồi vẫn tranh luận lỗi tại ai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỗi tại ai?