Lối thoát nào cho 11 con hổ?

Nguyễn Chung 19/02/2022 07:16

Dư luận rất quan tâm đến thông tin về đàn hổ 11 con đang được một gia đình nuôi nhốt tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Những khó khăn về giải pháp cũng như kinh phí nuôi nhốt đàn hổ đang tạo một áp lực vô hình lên chính quyền, các cơ quan chức năng. Vậy, đâu là lối thoát cho đàn hổ này trong tương lai?

Đàn hổ tại Xuân Tín.

Áp lực như nuôi hổ

Trời đã gần xế chiều, ông Trịnh Đình Bạch, trú tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân khệ nệ bê từng chậu đầu gà đã được làm sạch sẽ vào khu chuồng hổ được rào bằng lưới thép kiên cố. Ông Bạch đang chuẩn bị bữa trưa cho 11 con hổ mà ông đã chăm sóc suốt hơn 10 năm qua. Trong không gian chật hẹp, một mùi khen khét của mồ hôi, trộn với mùi khai nồng của nước tiểu bốc lên.

Phát hiện có người lạ xâm phạm vào lãnh địa, cả 11 con hổ lập tức tỏ ra hung hăng hơn bình thường. Nhiều con xộc thẳng đến sát hàng rào với thái độ đe dọa, con thì rón rén thu mình, nhìn chằm chằm vào người lạ trong tư thế săn mồi. Tất cả đều ở trong tình trạng béo tốt, sung mãn. Cứ nhìn vào ánh mắt hoang dã của chúng có thể thấy, mặc dù đã được nuôi nhốt, thuần hóa trong nhiều năm nhưng bản năng sát thủ của “chúa sơn lâm” vẫn không hề bị mất đi.

Chỉ khi người chủ với thứ mùi thân thuộc đến, lớn tiếng quát gọi, ánh mắt của đàn hổ mới có đôi phần dịu lại. “Để duy trì sự sống cho những cá thể hổ khỏe mạnh như thế này, tốn kém lắm các anh ạ!”- ông Bạch phân trần.

Dẫn tôi một vòng quanh khu trang trại rộng gần 4.000m2, ông Bạch kể: Năm 2007, ông Nguyễn Mậu Chiến người cùng xã mua 10 con hổ, mỗi con nặng trung bình 7 kg đưa từ Lào về và được nuôi nhốt ở một khu đất riêng biệt tại thôn 27 cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín. Đến năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 con hổ khác về ghép đàn.

Cũng vì hành vi buôn bán, nuôi nhốt trái phép này mà ông Chiến bị các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa phạt 2 lần, với tổng số tiền lên đến 60 triệu đồng nhưng vẫn cho phép được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trong suốt quá trình nuôi nhốt, vào các năm 2007, 2010, 2012, 4 con hổ bị chết, đàn còn lại 11 con. Tổng trọng lượng đàn hổ hiện khoảng 1.750 kg, con lớn nhất 200 kg, con nhỏ chừng 100 kg. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đàn hổ không sinh sản thêm con nào.

Và từ năm 2010, đàn hổ được gia đình giao cho ông Bạch quản lý, chăm sóc.

Ông Trịnh Đình Bạch cho biết, gia đình ông đang rơi vào tình cảnh kiệt quệ về kinh tế do chi phí nuôi đàn hổ.

Trại nuôi hổ của ông Bạch rộng 3.800 m2, được thiết kế nhiều hạng mục khá quy mô và bài bản như: Nhà trú mưa nắng, nơi ăn uống, phòng thú y, phòng sinh sản, hành lang, sân chơi... Chuồng nuôi được xây tường bao cao 2,5m, phía trên gắn rào sắt và có ba lớp cửa kiên cố bảo đảm hổ không thể đào thoát ra bên ngoài.

Mỗi khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra, ông Bạch mới mở cổng cho vào. Khi thấy người lạ, đàn hổ rất hung dữ, nên để đảm bảo an toàn cho người dân ngoài khu vực, người nuôi phải cắm biển cảnh báo và thường xuyên kiểm tra lưới thép.

Hàng ngày, ông Bạch đều tiến hành làm vệ sinh chuồng trại, kiểm tra an toàn lưới rào xung quanh, bơm nước uống, cuối giờ chiều chia thức ăn đến từng khu vực cho hổ. Đây là một lịch trình chưa bao giờ thay đổi.

Ông Bạch cho kể: Khẩu phần ăn của đàn hổ khác nhau giữa mùa Đông và mùa Hè. Mùa Đông trung bình 1 con ăn đến 10kg thịt chủ yếu là đầu gà, còn mùa hè thì ăn ít hơn và phải cho ăn thêm thịt bò, thịt lợn.

“Tất cả thực phẩm được kiểm tra kỹ trước khi cho hổ ăn. Tạm sơ tính một tháng mất khoảng 65-70 triệu đồng cả tiền điện nước và tiền thức ăn. Từ năm 2012 đến nay, đàn hổ có cả đực và cái trưởng thành, song do nuôi nhốt trong khu chuồng chật hẹp lâu năm, thức ăn thiếu dinh dưỡng nên chúng không thể sinh sản”, ông Bạch giải thích.

Giải pháp nào?

Rõ ràng, việc để một hộ gia đình nuôi 11 con hổ trái phép, trong điều kiện chuồng trại chật hẹp và tốn nhiều kinh phí đang gây ra không ít lo lắng cho người dân. Tuy nhiên, giải pháp nào là tối ưu cho đàn hổ tại Xuân Tín đang là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Chiến nhiều lần làm đơn tự nguyện chuyển giao đàn hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc tổ chức phù hợp, song chưa thực hiện được vì vướng mắc phần kinh phí bồi hoàn. Các trung tâm cứu hộ sẵn sàng tiếp nhận số hổ, song không chấp nhận chi tiền công chăm nuôi gần 15 năm qua theo đề xuất của chủ trại.

Đa số hổ đều rất khỏe mạnh và sung mãn.

“Do hổ ăn nhiều, chi phí nuôi tốn kém mà không đem lại giá trị kinh tế nào nên đến bây giờ, chúng tôi đã thực sự mệt mỏi và rơi vào tình trạng kiệt quệ về kinh tế. Tôi không mong muốn gì hơn là được các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp giải quyết. Nếu bàn giao lại cho Nhà nước nuôi thì gia đình được nhận phần hỗ trợ chi phí nuôi nhốt đàn hổ trong hơn 10 năm qua. Còn nếu để chúng tôi tiếp tục chăm sóc thì cũng phải có cơ chế hỗ trợ để gia đình duy trì hoạt động”, ông Bạch bày tỏ.

Nói về vấn đề trên, ông Lê Văn Hài - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân, cho biết: Giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản đàn hổ tại Xuân Tín được cơ quan chức năng cấp phép đã hết hạn vào giữa năm 2017. Gia đình ông Chiến nhiều lần đề nghị cấp giấy phép mới, nhưng không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chấp thuận do vướng quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng chưa có căn cứ để tịch thu số hổ.

“Công tác quản lý, theo dõi đàn hổ cũng gây áp lực mệt mỏi đối với chúng tôi. Mỗi tuần 1 lần Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã Xuân Tín kiểm tra trại, kiểm đếm số lượng, đánh giá mức độ an toàn chuồng trại... Việc đi lại xa xôi trong khi đó không có công tác phí gây khó khăn cho cán bộ.

Hiện lực lượng kiểm lâm rất vất vả để bảo vệ đàn hổ”, ông Hài nói và cho biết thêm: Ngoài ra, định kỳ 3 tháng một lần, lực lượng liên ngành kiểm tra trại hổ một lần. Mỗi lần kiểm tra đều được lập biên bản có chữ ký xác nhận của các bên. Gia đình ông Chiến được chăm nuôi, song không được phép di chuyển hoặc thay đổi hiện trạng đàn hổ.

Cũng nói về công tác quản lý, chăm sóc đàn hổ tại gia đình ông Trịnh Đình Bạch, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Hiện nay, huyện yêu cầu chính quyền xã Xuân Tín và chủ cơ sở nuôi hổ chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, chấp hành chế độ quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo các điều kiện chuồng trại, an toàn cho người và vật nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, thú y, an toàn dịch bệnh; tiếp tục thực hiện đầy đủ chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, giữ nguyên trạng, tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi tráo đổi, mua, bán, tặng, cho, giết, mổ, vận chuyển đối với 11 cá thể hổ hiện có.

“Trách nhiệm của huyện chỉ có thể dừng lại ở mức độ này, không thể làm gì hơn vì vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết”, ông Dũng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về giải pháp cho đàn hổ đang được nuôi nhốt tại Xuân Tín, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa không giấu được băn khoăn: Hiện tại, UBND tỉnh đang giao cho lực lượng Kiểm lâm theo dõi sát sao đàn hổ, không cho phát sinh thêm, bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, kiểm lâm liên hệ với nhiều trung tâm bảo tồn động vật hoang dã, đề nghị tiếp nhận nhưng đến nay cũng chưa có cơ sở nào đồng ý vì vướng đề xuất kiến nghị hỗ trợ kinh phí của gia đình.

Ông Cường nói: “Vì trong thời gian hơn 10 năm chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ trưởng thành như bây giờ, họ đã tốn rất nhiều tiền của, công sức. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, kinh phí hỗ trợ như thế nào là hợp lý thì chưa có các quy định, chưa có tiền lệ nên rất khó”, ông Cường chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lối thoát nào cho 11 con hổ?