Giữa trời mây sóng nước vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh có những người “công nhân chèo đò” đưa khách du lịch ở khắp nơi khám phá vẻ đẹp của vùng đất và con người nơi này.
Khách du lịch khám phá làng chài Vung Viêng.
Những tiếng hát giữa muôn trùng
Ngang qua sườn phía Tây của vịnh Bái Tử Long, qua làng chài Cửu Vạn đến với làng chài Vung Viêng. Tại đây, có khoảng 60 “công nhân” chèo đò của Hợp tác xã du lịch vận tải Hạ Long. Họ là những người dân của làng chài Vung Viêng đều đặn hàng ngày đưa những khách du lịch nước ngoài khám phá vùng đất lạ.
Từ khi được Nhà nước quan tâm chuyển về đất liền thuộc phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày nào cũng vậy, khoảng 4h sáng, họ đi bộ ra bến xe bus, tới bờ cửa sông Cột 5 Hạ Long để xuống tàu ra nơi làm việc.
Những người chèo đò xuống một chiếc tàu nhỏ, bắt đầu cho chuyến đi quen thuộc của mình ra đảo. Trai gái, già trẻ đều đủ cả, có người cũng chạm mốc năm mươi, có người trẻ hơn tầm 30 – 35 tuổi, lại có cả những thanh niên quyết gắn bó tuổi xuân của mình tại miền sóng nước này.
Chị Phạm Thị Quý (35 tuổi) tranh thủ lúc chưa có khách bỏ gói xôi ra ăn sáng, vừa ăn vừa kể chuyện đời, chuyện nghề của mình. Chị gắn bó với làng chài được khá lâu, từ khi lấy chồng, rồi theo chồng ra đảo làm ăn sinh sống, dựng nhà ở đây.
Hiện giờ, hai vợ chồng làm thuê cho Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long, đồng thời tranh thủ nuôi trồng, đánh bắt hải sản kiếm sống. Chị đi chèo đò, rồi cân đối thời gian về nhà cơm nước cho chồng, sau đó chiều lại tiếp tục làm việc rồi theo tàu trở về đất liền.
Với những người chèo đò còn lại, ai có nhà ở đây thì trở về nấu cơm, nghỉ ngơi, những người không có thì ăn qua loa tạm cái bánh, hay mang cơm ở nhà theo, nghỉ tại thuyền để chiều tiếp tục làm việc. Để phát triển du lịch ở khu vực này, khi được nhà nước quan tâm, giúp đỡ nhiều hộ dân đã được di chuyển lên khu tái định cư mới. Thế nhưng họ vẫn quay trở lại, xin được tiếp tục công việc chèo đò của mình.
Chị Quý chia sẻ, chị làm nghề chèo đò này đến nay cũng được 7, 8 năm rồi. Ngày nào cũng vậy, chị thường chở khách du lịch từ 2 đến 3 lượt, lấy tiền theo tháng, làm và tính công như những người công nhân.
Thế nhưng những người làm nghề như chị thì thuyền phải tự mua. Giá mỗi chiếc thuyền dao động khoảng từ 7 đến 10 triệu. Chiếc thuyền của chị được mua với giá 7 triệu đồng, vì là thuyền nhỏ nên mỗi chuyến chỉ chở được 4 khách.
“Chiếc thuyền to hơn chở được khoảng 6 khách, giá của nó là 10 triệu. Ai muốn chở đò, phải tự mua thuyền và tự bảo vệ, vệ sinh chiếc thuyền của mình. Nó là “cần câu cơm” của mình nên tôi chăm cho nó như chăm con vậy”, chị Quý bộc bạch.
Ông Phạm Đăng Hồng (sinh năm 1958), là đội trưởng đội chèo đò, một trong những người gắn bó lâu dài nhất với nghề chèo đò đầy tự hào: “Dịch vụ chèo đò này có từ năm 2008, khác với những người chèo đò nơi khác, chúng tôi có lương hàng tháng. Hầu hết những người chèo đò đều là người làng chài Vông Viêng!”.
Ông Hồng gắn bó cả cuộc đời của mình với vùng đất này. Ông lấy vợ, sinh con và lập nghiệp tại đây. Con trai lớn hiện đang làm việc và sinh sống trên đất liền, hai người con trai còn lại của ông cùng bố làm nghề chèo đò mưu sinh.
Với mỗi người khách du lịch, người chèo đò sẽ nhận được 18 nghìn đồng một lượt. Sau đó, mỗi ngày, họ sẽ tính tổng lượt khách du lịch và cộng số lượng đó lại. Cuối tháng, lấy tổng số lượng khách du lịch của cả tháng nhân với 18 nghìn thì ra tiền công 1 tháng.
“Tính ra, tháng cao nhất chúng tôi cũng được khoảng 3 triệu, có tháng ít khách du lịch, thì cũng tầm từ 1 đến 2 triệu một tháng. Nghề này cũng đỡ vất vả hơn đi đánh bắt cá”, ông Hồng chia sẻ.
Nụ cười Việt đi khắp năm châu
Trên chiếc đò của chị Quý, có 4 khách du lịch người Pháp, họ nói chuyện và bình luận cảnh đẹp nơi đây. Nhiều du khách nước ngoài khi đến với vùng đất này đều rất thích thú khi được người chèo đò chở đi thăm làng chài, xem những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản, cách làm ngọc trai thủ công của người dân và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ hùng vĩ nơi này.
Nhìn những con người ngày ngày chèo đò chở khách trên vùng sóng nước đẹp tuyệt với này, nhiều du khách cũng thầm ngưỡng mộ họ, ngưỡng mộ những con người vốn quen làm việc với môi trường sông nước, ngưỡng mộ những con người với tình yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
“Làm nghề nhưng cũng có vui của nghề. Nhìn thấy khách du lịch thích thú với cảnh quan nơi đây mà người chèo đò như chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Du khách rất thích chụp hình những người chèo đò như chúng tôi. Thi thoảng xem trên báo, trên đài, trên mạng lại thấy hình của mình ở tận nước nảo nước nào xa xôi. Nhưng thế cũng vui lắm!”, chị Quý chia sẻ.
Theo ông Hồng, mỗi lần chở khách thấy khách muốn chụp hình mình, ai nấy đều vui vẻ cười tươi hết sức có thể. Họ vui vẻ và có ấn tượng tốt với nơi đây để rồi còn giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu cùng đến là chúng tôi vui lắm rồi.
“Dẫu chẳng làm được gì, thì cũng phải góp chút gì đó cho mảnh đất này, cho quê hương này đẹp hơn trong mắt du khách chứ!”, ông Hồng cười bộc bạch như thế.