Trên 17.000 ha chịu ảnh hưởng, trong đó có gần 3.000 ha diện tích lúa bị mất trắng do ảnh hưởng của hạn mặn trên địa bàn tỉnh Long An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Lê Tấn Dũng
chỉ đạo công tác hỗ trợ người dân vùng hạn mặn trên địa bàn chiều 28/3. (Ảnh: Hồng Phúc).
Đó là thông tin được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An báo cáo tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2016 trên địa bàn tỉnh vào chiều 28/3 tại TP Tân An, tỉnh Long An.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tính đến nay toàn tỉnh Long An đã có trên 17.000 ha chịu ảnh hưởng của diễn biến hạn mặn, trong đó có gần 3.000 ha diện tích lúa bị mất trắng
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng dự báo khoảng hơn 10.000 ha sẽ bị thiếu nước tại các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức. Đây cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn mặn. Trong đó, kết quả đo cho thấy độ mặn 4g/l trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt sâu khoảng 72km và trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt sâu khoảng 78km. Diễn biến hạn mặn đã trở thành vấn đề mà cả hệ thống chính trị - xã hội của tỉnh Long An phải cùng vào cuộc để tìm giải pháp khắc phục, hỗ trợ tạm thời cho các hộ nông dân trong khu vực chịu ảnh hưởng.
Cũng theo ông Hoàng, hiện Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã thành lập các hội đồng đi thống kê thiệt hại của người dân tại các vùng hạn mặn. Tỉnh cũng lập đoàn điều tra, khảo sát tại khu vực thượng nguồn, cũng như về các khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn để nắm lại tình hình và xây dựng phương án hỗ trợ.
Quang cảnh buổi họp báo.
“Hướng giải pháp là Sở tham mưu cho UBND tỉnh liên hệ với tỉnh Tiền Giang để hỗ trợ mở nước ngọt từ sông Tiền về các nhánh sông của Long An để rửa mặn. Vừa qua, trong đợt 1 các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ cũng đã lấy được lượng nước ngọt để rửa mặn nội đồng. Ngoài ra, 1.800 ha lúa ở huyện Đức Hòa cũng đã đưa được 4 đợt nước ngọt về rửa mặn”, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Hoàng cho biết.
Ngoài hạn mặn, trong sản xuất lúa của tỉnh Long An cũng chịu ảnh hưởng của một số sâu bệnh xuất hiên trên lúa…
Trước tình hình trên, tỉnh Long An cũng đã chỉ đạo sản xuất lúa vụ đông xuân tiếp tục triển khai thực hiện các cánh đồng lớn; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT khảo sát tình hình nắng hạn, kiểm tra độ mặn nguồn nước tại các huyện, trong đó công bố thiên tai xâm nhập mặn tại các huyện phía Nam của tỉnh, gồm các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức Thủ Thừa và thành phố Tân An do nằm trong khu vực cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Phát biểu tại buổi họp, ông Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong quý II năm 2016 Long An sẽ tập trung giải quyết chính sách hỗ trợ người nông dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn và xâm nhập mặn theo quy định.
Ông Dũng cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh tích cực tuyên truyền người dân dẫn nước ngọt về các cống để bơm nước vào đồng ruộng, các ao hồ để trữ nước. Trong hai vụ đông xuân và hè thu, tỉnh Long An cũng sẽ chủ động tăng cường công tác cảnh báo cũng như hỗ trợ người dân các vùng chịu ảnh hưởng của hạn mặn.