Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước đều do nhân dân quyết định. Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lòng dân là ý Trời”.
Ngày 15/10/1949, trong bài báo Dân vận, đăng trên Báo Sự Thật số 120, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Đây là tư tưởng, là phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối với công tác dân vận trong sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lịch sử hàng nghìn năm của nước Việt Nam cho thấy, các triều đại hùng mạnh ghi dấu son lên những trang vàng vẻ vang cho dân tộc đều khởi nguồn từ tư tưởng “dân là gốc”. Trong Bộ Hình luật công bố năm 1042, Nhà Lý đã lần đầu tiên pháp điển hóa tư tưởng trọng dân bằng các quy định cụ thể chăm lo đời sống trăm họ. Việc chỉnh đốn pháp luật được thực hiện sao cho giảm bớt nổi khổ của dân, xóa bớt bất công trong thiên hạ và ngăn chặn nạn quan lại lạm quyền.
Nhà Trần tiếp tục sự nghiệp Nhà Lý đã phát triển tư tưởng “dân là gốc” thành các định đề mang tính nguyên tắc. Ở Đền Trần (Nam Định) ngay tại cổng Ngũ Môn nay còn ghi khắc câu đối: “Dân vi bang bán thiên niên sách, Công tại nhân tâm vạn cổ trường” (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm; Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở).
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trước khi lâm chung còn nhắn gửi lại với nhà Vua và triều đình rằng: “Nên khoan thư sức dân và lấy việc bồi bổ sức dân làm kế sách lâu bền cho xã tắc”.
Nhà quân sự lỗi lạc, đại thi hào Nguyễn Trãi từng giúp Lê Lợi dẹp tan quân Minh xâm lược, khởi nghiệp Nhà Hậu Lê cũng bắt đầu từ tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Bởi theo Nguyễn Trãi: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tinh hoa tư tưởng “dân là gốc” từ hàng nghìn năm lịch sử, đã để lại trong di sản của Người rất nhiều phát biểu, bài viết có liên quan tới quyền của dân trong một Nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân trong sự gắn kết với cộng đồng dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Có dân là có tất cả đã trở thành phương pháp luận trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước đều do nhân dân quyết định. Do đó, theo Người: “Lòng dân là ý Trời”.
Đánh giá đúng vai trò của quần chúng nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là bí quyết thắng lợi của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chế độ dân chủ của chúng ta nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và do nhân dân xây dựng. Nghĩa là phải phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo của dân; nhân dân phải được tham gia một cách trực tiếp vào công việc quản lý, sản xuất và đời sống của mình; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của dân thông qua hệ thống chính trị ở cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân...”; “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh” .
Suy ngẫm về tư tưởng Hồ Chí Minh “nước lấy dân làm gốc” trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang quyết tâm cao độ ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ; xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị… càng khiến chúng ta quan tâm sâu sắc và thực chất hơn về công tác dân vận trong tình hình mới.
Công tác dân vận không chỉ là sự “tuyên truyền”, “vận động” một chiều, mà còn nhằm phát huy các sáng kiến, sáng tạo, sự vận động trưởng thành, nhận thức đầy đủ hơn về quyền làm chủ từ phía quần chúng nhân dân.
Muốn nhân dân đồng thuận, nhất trí, đoàn kết, thúc đẩy tính tích cực chính trị của nhân dân thì trước hết phải quan tâm đến lợi ích của dân. Phải lấy lợi ích thiết thân của người lao động làm cơ sở để xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng và phát triển đất nước. Về mặt luật pháp cũng cần phải xây dựng các thiết chế tạo điều kiện, có cơ sở để đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể thực thi đầy đủ quyền làm chủ trực tiếp của mình.
Thông qua công tác dân vận giúp người dân biết tìm ra những tương đồng chung, biết gác lại những khác biệt và hành động trên cơ sở những tương đồng chung ấy. Nếu tất cả thành phần trong xã hội, từ đảng cầm quyền, cán bộ nhà nước cho tới từng người lao động thành thị, nông thôn, hải đảo, kiều bào hải ngoại… đều lấy mục tiêu dân giàu nước mạnh, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết thì sẽ không khó có sự đồng tâm nhất trí.
Đó chính là cơ sở để thực hiện đại đoàn kết toàn dân, phát huy tính tích cực chính trị của nhân dân, là yếu tố cơ bản để phát huy nội lực của đất nước.