Mặc dù được xếp vào danh sách những sản phẩm xuất khẩu mang tính quyết định nhưng đến nay lúa gạo và cá tra vẫn long đong, lận đận khi xuất khẩu. Ví dụ việc xuất khẩu gạo, nửa năm 2015 sản lượng xuất khẩu giảm 29,6% so với nửa đầu năm 2014.
Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích, chúng ta không có gạo chất lượng cao mà chỉ có gạo trắng để xuất khẩu. Nghĩa là chúng ta không chú ý trồng giống lúa cho loại gạo thơm ngon mà thị trường trên thế giới cần. Ngoài ra, gạo Việt Nam ngại chen chân vào các thị trường lớn, thị trường khó tính mà chỉ tập trung vào những thị trường truyền thống.
Cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng bị sức ép lớn từ một số “đối thủ” mới nổi nhưng đáng gờm. Như gạo Campuchia đang có dấu hiệu “lên hương” khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang 53 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, với sản phẩm gạo lài- loại gạo được bình chọn ngon bậc nhất thế giới.
Đối với con cá tra của Việt Nam, hiện đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song “sản phẩm vàng” của ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với thách thức và cạnh tranh. Nếu như những năm trước, cá tra Việt Nam “một mình một chợ” thì nay thị trường đang chứng kiến sự có mặt của các nước Philippines, Indonesia, Bangladesh… Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của thế giới đang sụt giảm, rào cản thương mại nhập khẩu tại nhiều quốc gia ngày càng tăng…
Trước đà “lao dốc” của cả cá tra lẫn hạt gạo, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải cải thiện chất lượng và xây dựng hình ảnh cho hai dòng sản phẩm này, cũng như các sản phẩm khác của Việt Nam. Chỉ có như vậy chúng ta mới “nắm được chìa khóa” mở cửa vào các thị trường khó tính.
Thực tế cho thấy, không phải nước nào cũng có thể phát triển các mặt hàng nông sản như lúa gạo và cá tra. Vì vậy, khi nắm trong tay nguồn hàng dồi dào, thì việc phải liên tục quan tâm đến giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu để các ngành này phát triển bền vững.