Các em học sinh có xu hướng tự giải quyết các vấn đề liên quan đến giới tính, chỉ có 13,8% học sinh được khảo sát nói thường xuyên trao đổi với cha, 23,6% học sinh kể cho mẹ nghe và chỉ có 16,1% các em dám mạnh dạn nói chuyện với anh chị em khác giới…
Đó là thực trạng được nêu ra tại Hội thảo khoa học “Tuyên truyền về lồng ghép giới trong các trường ĐH, CĐ, trung cấp, THPT trên địa bàn thành phố Trà Vinh” do ĐH Trà Vinh tổ chức vào ngày 10/6.
ThS Phan Thuận- giảng viên Học viện Chính trị Khu vực IV chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót thường gặp trong quá trình giảng dạy, đào tạo về giới trong trường học hiện nay, như: chưa có các nghiên cứu, khảo sát sát với thực tế tại địa phương, còn nặng tính lý thuyết; kiến thức về giới và bình đẳng giới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ cả về dung lượng và thời gian giảng dạy; kỹ năng, phương pháp giảng dạy của đa số giáo viên, giảng viên vẫn theo cách truyền thống là “độc thoại”…
Theo bà Đào Thị Hồng Vân- nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, khảo sát tỉ lệ cán bộ nữ trong Ban giám hiệu các trường phổ thông hiện chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 20%); hoặc không bố trí được nữ cán bộ quản lý. “Vì sao có thức trạng trên, phải chăng nhiều nữ giáo viên chưa được quan tâm tuyển chọn trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng,… nên khi xem xét bổ nhiệm vào vị trí quản lý thì không đủ chuẩn; hoặc đến khi được chú ý đến thì đã quá muộn…”, bà Vân chia sẻ.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc giáo dục giới, bình đẳng giới trong nhà trường còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu mà xã hội đặt ra. Thậm chí, có tới 69,1% số học sinh được hỏi nhận định cách giảng dạy còn chưa phù hợp; 71,3% nói thiếu tài liệu học tập về chủ đề bình đẳng giới…
Thực tế, học sinh chủ yếu tìm hiểu việc tìm hiểu về giới và bình đẳng giới trên báo chí, đặc biệt là các báo mạng. Khảo sát cho thấy 85,7% các em khẳng định biết được kiến thức về bình đẳng giới qua truyền hình và đài phát thanh; 77,6% qua báo, tạp chí và qua mạng internet.
Tại hội thảo, các tham luận cũng gợi ý một số hướng giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn việc tuyên truyền về lồng ghép giới trong các trường học. Đa số ý kiến đề nghị cần phải đổi mới cả về nội dung và hình thức, cả phương pháp lồng ghép giới để hấp dẫn, lôi cuốn hơn đối với học sinh, sinh viên; các trường học nên dành kinh phí tổ chức cho giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên đi khảo sát, tìm hiểu thực tế về giới và bình đẳng giới để tự mình trải nghiệm, từ đó chia sẻ các kiến thức này cho bạn bè cùng trang lứa…