Với trí tuệ uyên bác, tình yêu thương con người sâu sắc, Hải Thượng Lãn Ông đã dành trọn cuộc đời tìm tòi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, nâng tầm lý luận về y đức, y lý, y thuật và dược học, “dựng ngọn cờ đỏ thắm cho nền y học nước nhà," đưa nền y học Việt Nam tiếp cận với nền y học thế giới.
Tối 27/12, tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Hưng Yên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Lê Hữu Trác, tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 27/12/1724. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nổi tiếng thông minh, hiếu học, văn võ song toàn. Thân phụ là Thị lang Bộ Công, Tiến sỹ Lê Hữu Mưu, (người làng Liêu Xá huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng (người làng Bàu Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Nuôi hoài bão đem tài năng phục vụ triều đình, tuy nhiên trước sự rối ren của xã hội phong kiến thời Lê-Trịnh, Hải Thượng Lãn Ông đã rời xa Kinh thành Thăng Long về quê mẹ Hương Sơn chuyên tâm với nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.
Với trí tuệ uyên bác, tình yêu thương con người sâu sắc, Hải Thượng Lãn Ông đã dành trọn cuộc đời tìm tòi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, nâng tầm lý luận về y đức, y lý, y thuật và dược học, “dựng ngọn cờ đỏ thắm cho nền y học nước nhà," đưa nền y học Việt Nam tiếp cận với nền y học thế giới.
Cùng với trị bệnh, viết sách, ông mở trường đào tạo, thành lập Hội Y để kết nối các thầy thuốc giỏi. Tay nghề, tư tưởng vượt thời đại của Đại danh y đã lan truyền đến tận Kinh thành Thăng Long.
Năm Nhâm Dần 1782, Chúa Trịnh triệu ông vào cung để chữa bệnh cho hoàng tộc. Trong thời gian ở kinh thành, Đại danh y có thêm cơ hội để giao lưu, đàm luận văn chương, trau dồi nghề nghiệp, viết sách.
Tác phẩm "Thượng Kinh ký sự" của ông ra đời trong thời gian này được đánh giá là tư liệu quý về y học, văn hóa, lịch sử, phản ánh chân thực, sinh động bức tranh xã hội Việt Nam đương thời.
Bộ sách "Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh" được xem là "Bách khoa toàn thư," mang giá trị phổ quát của nhân loại, thể hiện rõ những giá trị to lớn về văn hóa, giáo dục, nhân học, đúc kết những chuẩn mực đạo đức; là lời thề, phương châm, kim chỉ nam cho sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc.
Trong đó ông khẳng định: "Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý," "Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người," "Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức."
Hải Thượng Lãn Ông qua đời vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi 1791 (hưởng thọ 67 tuổi). Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về lao động, học tập, sáng tạo, về y đức, trí tuệ, nhân nghĩa, và tinh thần cống hiến.
Thế giới ngưỡng mộ Hải Thượng Lãn Ông bởi ông còn là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà khoa học kiến tạo những mẫu hình giá trị có sức sống vượt không gian, thời gian, con người luôn hướng đến sứ mệnh đoàn kết các dân tộc, đối thoại giữa các nền văn hóa để hiểu biết lẫn nhau.
"Chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh rất vinh dự, tự hào khi được Trung ương giao chủ trì, phối hợp các địa phương, bộ ngành liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Mộ và Khu lưu niệm Đại danh y. Sự kiện Tổ chức UNESCO vinh danh, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng mộ và khu lưu niệm tại huyện Hương Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông chính là sự khẳng định về tầm vóc, sức ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực y học, giáo dục, văn hóa, xã hội trên toàn cầu", Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng nhấn mạnh.
Vinh dự là quê hương của Đại danh y, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên đã đoàn kết, nỗ lực, dành kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ tiền nhân, trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân 2 tỉnh quyết tâm nỗ lực xây đắp thêm hành trang, vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt có tên gọi “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông." Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: “Cơ duyên nghề thuốc," “Dấn thân dựng nghiệp” và “Thênh thang một cánh diều…” được thể hiện theo kết cấu đan xen nhiều hoạt cảnh có sử dụng các làn điệu dân ca ví, giặm, xen lẫn lời bình và các ca khúc nhằm tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác giai đoạn từ sau khi ông rời đất Thăng Long trở về Hương Sơn (Hà Tĩnh) để chăm sóc mẹ già.