Tranh thủ vào mỗi buổi tối, những “học sinh” U50 lại tập trung tại một lớp học mượn từ điểm trường Tiểu học Mường Lống. Mặc dù, còn e ngại, thậm chí nét bút nguệch ngoạc, nhưng đó là lớp học đặc biệt nhất tại vùng rẻo cao này.
Ngày lên nương, tối lên lớp
Đó là hình ảnh diễn ra nhiều tháng nay tại lớp học xóa mù chữ của người dân bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An). Bởi, cứ vào mỗi buổi tối, sau khi sắp xếp công việc nhiều người trong bản lại rủ nhau đi học chữ. 19h tối, lớp học bắt đầu, thầy giáo đứng lớp là những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh của Đồn biên phòng Tri Lễ (Bộ đội Biên phòng Nghệ An).
Mới đầu đông, nhưng thời tiết ở các bản làng xã Tri Lễ sương dày đặc, se lạnh. Qua hơn 2 giờ đồng hồ vượt quãng đường núi dốc, thầy và trò gặp nhau tại lớp. Các chiến sĩ biên phòng không quản khó khăn, vất vả về điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại ngày đêm nỗ lực để duy trì lớp học.
Theo Thiếu tá Hồ Đình Trường, cán bộ Đồn biên phòng Tri Lễ, lớp học có khoảng 50 học viên, đa số là người lớn tuổi. “Thời gian đầu mới vào lớp, các học viên rất e ngại vì cho rằng mình đã nhiều tuổi, là trụ cột gia đình không cần phải đi học nữa, nhưng được chúng tôi động viên, phân tích về lợi ích của con chữ, nên đại đa số các học viên đều chịu khó học và đều đặn đến lớp mỗi tối”- Thiếu tá Trường chia sẻ.
Cũng theo Thiếu tá Hồ Đình Trường, các học viên ở lớp học đặc biệt này đều đã lớn tuổi, nên khi cầm bút viết chữ rất cứng tay. Qua một thời gian, đến nay các học viên cơ bản biết viết, biết đọc.
Để có một lớp học đầy đủ, theo Thiếu tá Trường những người lính như anh cũng khá vất vả trong việc vận động. Theo đó, hàng ngày, cùng với nhiệm vụ tuần tra biên giới, các chiến sĩ biên phòng Tri Lễ còn đến nhà dân, lên tận nương rẫy để trò chuyện và tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học chữ.
Tự viết được tên mình
Chứng kiến lớp học đặc biệt ở vùng cao xứ Nghệ, chúng tôi thấy đây là mô hình hay, nhất là đối với đồng bào dân tộc Mông, nơi nhiều người chưa biết chữ. Theo Thượng úy Xồng Bá Rống (Đồn Biên phòng Tri Lễ), qua khảo sát trên địa bàn bản Mường Lống, tỷ lệ người không biết chữ rất cao, trong đó nhiều nhất là chị em phụ nữ. Thượng úy Rống cho biết, sau khi mở lớp học này, chỉ hơn 2 tháng, đa số học viên đã biết đọc, biết viết, biết sử dụng điện thoại thông minh, biết cộng, trừ, nhân, chia, đặc biệt là đã biết viết tên mình.
Tiếng lành đồn xa, lớp học ngày càng đông hơn, đến nay đã có 50 người đăng ký đi học. Ban ngày, bà con đi làm trên nương rẫy, nhưng cứ đến 19h hàng ngày, học viên có mặt tại lớp. Bà Xồng Y Đà (45 tuổi) trú bản Mường Lống hồ hởi, từ khi có các chú bộ đội mở lớp học xóa mù chữ, tôi đăng ký tham gia và đến nay đã biết đọc, biết viết, biết tính toán rồi.
Bà Và Thị Pó (52 tuổi) trú bản Mường Lống chia sẻ, ngày nay mà không biết cái chữ, con số thì ngay cả liên lạc với người thân bằng điện thoại cũng không biết dùng, thiệt thòi lắm.
Những bàn tay thô sần lâu nay vốn chỉ quen cầm cuốc, cầm dao phát nương rẫy, giờ họ đã biết cầm bút, tự viết được tên mình... Theo Thượng tá Hồ Thanh Quang - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ, để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con, lớp học được tổ chức vào các buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Kết thúc khóa học, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho học viên.
Bản Mường Lống cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km, bản có 135 hộ dân với 800 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông, trong đó có 99 hộ nghèo (chiếm 73,3%). Để đến được bản, chỉ có con đường đất độc đạo, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Đời sống người dân trong bản còn rất nhiều khó khăn.