Ở cái tuổi 74, nhưng hơn 14 năm qua cô giáo người dân tộc Khmer Nông Na Nương (ngụ tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) vẫn miệt mài với con chữ để dạy kèm miễn phí cho hàng trăm học sinh nghèo tại vùng biên của tỉnh An Giang.
Lớp học của cô giáo già Nông Na Nương với học sinh nghèo vùng biên.
Trong căn nhà cấp 4, chắp trước vá sau tại ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên hàng ngày lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng ê a của những học trò nghèo vùng biên. Nhiều người truyền tai nhau đó là “lớp học đặc biệt” của cô giáo già Khmer Nông Na Nương.
Lớp học đặc biệt bởi nó hoàn toàn miễn phí, chỉ có chiếc bảng cũ kĩ được kê tạm bợ, vài cái ghế là những tấm ván dài biến thành bàn. Người học ngồi bệt dưới nền đất. Còn cô giáo thì khi đứng, khi ngồi, lom khom bên tấm bảng cũ.
Đã hơn 14 năm nay, ngày nào cô Nương cũng miệt mài mang con chữ đến với trẻ em nghèo và đông đảo con em đồng bào dân tộc Khmer vùng biên. Ở độ tuổi 74, nhưng cô giáo vẫn luôn say mê với nghiệp “gõ đầu trẻ”, hết lòng truyền đạt kiến thức, những điều hay lẽ phải cho bao thế hệ học trò nghèo.
Cô Nương chia sẻ: Già rồi, ở một mình buồn lắm. Có bọn trẻ đến học tôi thấy đỡ trống trải và cô đơn. Bản thân tôi cũng cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Cô trò cứ quây quần nhau mà dạy và học.
Hiện tại, cô Nương đang nhận dạy kèm miễn phí 2 môn (Toán và Tiếng Việt) cho các em từ lớp 1 đến lớp 5, vào cả hai buổi sáng và tối. Tuy tuổi cao, điều kiện kinh tế khó khăn và sớm hôm chỉ một mình, nhưng cô vẫn kiên trì đứng lớp đều đặn dù trong người mang căn bệnh bướu ổ bụng và suy tim nặng.
“Nhìn lũ trẻ mang cặp sách đến mà mình không dạy thì chẳng đành lòng, tuổi già sức yếu rồi cứ dạy được bao lâu nữa thì cố mà dạy thôi” - cô Nương bộc bạch.
Hầu hết những học trò đến học tại nhà của cô Nương đều thuộc diện con nhà nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và là đồng bào dân tộc Khmer. Đa số cha mẹ các em đều không nói rành tiếng Việt nên không thể kèm các em tại nhà, cộng thêm việc khác biệt về ngôn ngữ nên khả năng lĩnh hội kiến thức tại trường của các em khá chậm. Cảm thông và thấu hiểu hoàn cảnh đó, cô Nương càng có lí do để kiên trì với lớp dạy.
Cô giáo Nông Na Nương đang dạy cho trẻ.
Cô giáo Nương cho biết: Mỗi năm, vào dịp nghỉ hè đều có các cô cậu học trò cũ đến thăm, những lúc như vậy tôi vui lắm, cô trò ngồi ôn lại chuyện cũ mà ứa nước mắt. Nhìn các học trò lớn khôn, trưởng thành, nghề nghiệp ổn định là trong lòng tôi đã cảm thấy mãn nguyện.
Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng giọng đọc của cô giáo già vẫn cứ vanh vách, rõ mồn một, không chỉ thế cô Nương còn có trí nhớ rất tốt. Cô kể rõ ràng, cụ thể về từng dấu mốc cuộc đời buồn, thăng trầm của mình.
Năm 1965, bà Nông Na Nương thi đậu tú tài, sau đó về dạy học ở trường làng, thuộc huyện Bảy Núi trước đây. Chiến thắng 30-4-1975, bà vẫn tiếp tục bám trụ với nghề và được phân công làm Hiệu trưởng Trường cấp I An Cư (xã An Cư). Vừa làm quen với nhiệm vụ chưa bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra, nhà cô Nương cũng như nhiều bà con tại vùng Bảy Núi bị quân Pôn Pốt đốt sạch.
Năm 1979, cô Nương và nhiều người dân trong xóm bị quân Pôn Pốt bắt làm tù binh, rồi đưa sang Campuchia lao động khổ sai.
Cô Nương kể lại: Tụi Pôn – Pốt nó ác lắm. Nó bắt làm mà lại bỏ đói, tù binh sống được là nhờ ăn củ này củ kia thôi. Riêng tôi còn bị chúng dùng nứa gai cứa đứt một phần đùi chân trái. Sau một năm làm tù binh, may mắn tôi thoát chết. Ngày trở về quê hương, tôi kiệt sức do đói khát và bệnh tật, may mà có bộ đội giúp đỡ đưa tui về.
Những ngày bị tù đày khiến sức khỏe cô Nương không thể đảm nhận đứng lớp được nữa. Từ đó, cô Nương bắt đầu cuộc sống mới vô cùng vất vả. Là người phụ nữ đơn thân, trong người lại mang nhiều bệnh tật, nhưng cô phải làm rất nhiều việc để kiếm miếng cơm, manh áo.
Thế nhưng, với lòng yêu nghề, không dứt được nghiệp “gánh chữ”, năm 2003 cô Nương bắt đầu mở lớp dạy kèm miễn phí, hơn 14 năm cần mẫn với con chữ cô đã dạy miễn phí cho hàng trăm học trò nghèo tại vùng biên.
Như một sự tri ân, cô Nương sống giữa tình thương và sự đùm bọc của bà con lối xóm gần xa... Cứ thế, mỗi ngày 2 buổi người ta lại thấy cô giáo già Nông Na Nương cặm cụi viết từng con chữ lên chiếc bảng cũ.