Đến tối ngày 17/10, mưa lớn đã khiến nước lũ ở các sông dâng lên nhanh nhấn chìm hơn 11.055 ngôi nhà của người dân; đồng thời, nhiều thôn, bản bị chia cắt; một số hồ chứa nước nhỏ có nguy cơ mất an toàn.
Trong đó ở trên địa bàn huyện Lệ Thủy có khoảng 7.600 nhà bị ngập nước. Tại các xã An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang với mức ngập dưới 1 m. Ở huyện Quảng Ninh có hơn 2.000 ngôi nhà ở các xã Hiền Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh… ngập sâu trong nước lũ.
Nước lũ lên nhanh nên số thôn, bản bị chia cắt, cô lập tăng liên tục so với đầu giờ chiều. Cụ thể ở huyện Quảng Ninh có 28 thôn/6 xã; huyện Tuyên Hóa có 12 thôn/5 xã; huyện Bố Trạch có 7 thôn/3 xã; huyện Minh Hóa có 16 bản/3 xã; huyện Bố Trạch có 7 bản/xã; huyện Quảng Ninh có 4 bản/xã; huyện Lệ Thủy có 2 bản/2 xã.
Riêng một số hồ chứa nước nhỏ do chính quyền địa phương quản lý như hồ Khe Gạo ở huyện Bố Trạch, hồ Dạ Lam ở huyện Lệ Thủy có nguy cơ mất an toàn. Hiện, các địa phương đang triển khai các phương án ứng phó đề phòng sự cố.
Về giao thông, mưa lũ làm sụt trượt mái ta luy dương đất, đá tràn xuống nền, mặt đường khiến nhiều đoạn trên các tuyến đường như Quốc lộ 15 đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy.
Các quốc lộ 9B, 9C, 9E; đường tỉnh 559B, 559, 562, 564 và 564B bị ngập, ách tắc. Riêng Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã bị ngập từ chiều nay.
Trước tình hình mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã triển khai thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống, đối phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đặc biệt, tập trung vào những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét; tiếp tục dự trữ và cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài.