Chủ Nhật, 11/05/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chính quyền Trung Quốc trong cuối tuần qua đã nâng mức ứng phó khẩn cấp từ 4 lên 3 để kiểm soát tình trạng lũ lụt nghiêm trọng; theo Bộ Thủy lợi nước này, trong bối cảnh lượng mưa lớn chưa từng thấy đang khiến nhiều vùng của Trung Quốc bị phủ trắng trong nước.
Nâng mức báo động
Theo Tân Hoa Xã, mực nước ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, hồ Động Đình và hồ Bà Dương đều tăng lên nhanh chóng do mưa trút xuống không ngừng. Tổng cộng có 16 con sông ở tỉnh Giang Tây và An Huy hiện đang chịu ảnh hưởng từ lũ lụt ở mức độ đáng báo động trong khoảng thời gian cuối tuần qua.
Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, họ sẽ thực hiện một số biện pháp giảm lượng nước trên đầu nguồn sông Dương Tử để giảm lượng nước chảy vào đập Tam Hiệp và kiểm soát lượng nước ở trung lưu và hạ lưu của con sông này để giảm tình trạng lũ lụt nghiêm trọng.
Trong hôm thứ Năm tuần trước, đạp Tam Hiệp đã chứng kiến đợt lũ đầu tiên từ sông Dương Tử trong năm nay, với lượng nước lên tới 50.000 mét khối mỗi giây. Chính quyền các cấp địa phương được hối thúc phải tăng cường theo dõi thời tiết và kiểm tra các đê chắn lũ, hồ chứa và trạm thủy điện.
Được biết, Trung Quốc áp dụng hệ thống phản ứng khẩn cấp lũ lụt gồm 4 cấp độ, trong đó cấp 1 là nghiêm trọng nhất.
Đợt mưa lũ nghiêm trọng kéo dài ở miền Nam Trung Quốc từ đầu tháng 6 đến nay đã gây ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều khu vực ở nước này. Theo số liệu mới nhất của nhà chức trách Trung Quốc, đợt mưa lũ lịch sử này ảnh hưởng đến gần 20 triệu người.
Ngày 3/7, Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán Trung Quốc cho biết, hiện cả hai miền Nam và Bắc Trung Quốc đều đã bước vào mùa lũ chính. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều đợt mưa lũ với lượng mưa nhiều, có nơi cường độ mạnh, một số huyện thị vượt mức kỷ lục trong lịch sử.
Trong giai đoạn này, mưa lớn vẫn thường xuyên xảy ra. Tính đến ngày 30/6, lượng mưa trung bình trên cả nước Trung Quốc đạt 293,9 mm, nhiều hơn hàng năm 7,3%. Do vậy, tình hình phòng chống mưa lũ ở Trung Quốc đang hết sức nghiêm trọng.
Tính đến nay, đợt mưa lũ này đã làm 19.380.000 người thuộc 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có 875.000 người phải di dời khẩn cấp, 235.000 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng, 1.560.000 hécta hoa màu bị tàn phá. Ước tính, thiệt hại kinh tế trực tiếp do đợt thiên tai này đã lên tới gần 6 tỷ USD.
Nhà chức trách Trung Quốc cho biết, đợt mưa lũ lần này đã khiến cho mực nước của 277 con sông trên cả nước vượt mức báo động, trong đó 11 con sông vượt kỷ lục trong lịch sử, đe dọa một số hồ đập chứa nước.
Trong số 98.000 đập nước của Trung Quốc hiện nay, một số đập tiềm ẩn nguy hiểm, rủi ro. Mặc dù vậy, nhà chức trách Trung Quốc đánh giá tình hình lũ lụt ở nước này về tổng thể hiện vẫn ổn định.
Công tác ứng phó khó khăn
Trải qua nhiều tuần lễ mưa lớn bất thường, nhiều khu vực ở miền Nam Trung Quốc đã chịu ảnh nặng nề, khiến ít nhất 106 người thiệt mạng hoặc mất tích, và ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người dân ở những khu vực đang phải chứng kiến trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Hồ Bắc, có thủ phủ là thành phố Vũ Hán, nơi khởi nguồn của virus corona chủng mới hồi cuối năm ngoái. Cuối tháng trước, các đội cứu hộ đã phải phá cửa kính nhiều chiếc xe hơi để cứu những nạn nhân bị mắc kẹt bên trong tại thành phố Nghi Xương, thuộc Hồ Bắc.
Mưa lớn vào thời điểm này trong năm khiến mức nước ở nhiều con sông ở Trung Quốc tăng đột biến, và khiến nhiều hồ chứa nước quá tải. Trong bối cảnh cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang diễn ra, công tác chuẩn bị ứng phó với lũ lụt càng trở nên khó khăn hơn; tờ Nhân dân Nhật báo từng đưa ra cảnh báo trong tháng 4.
Đại dịch Covid-19, kết hợp với lượng mưa lớn chưa từng thấy, đã khiến cho công tác ứng phó lũ lụt trở thành một nhiệm vụ “đầy thách thức”, theo tờ báo này, đồng thời kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường ứng phó với tình trạng lũ lụt.
Sau hơn 1 tháng chính quyền liên tục đưa ra các mức báo động về lượng mưa lớn, tình hình thời tiết vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi. Hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo sẽ có thêm nhiều đợt mưa lớn ở khu vực Tây Nam Trung Quốc bắt đầu từ cuối tuần trước. Giới chuyên gia cũng cảnh báo về tình trạng sạt lở đất, vỡ một số hồ chứa nước.
Tác động của biến đổi khí hậu
Ở Trung Quốc, hầu hết các hồ chứa nước đều được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước và đến nay đã cũ kỹ hoặc không đạt tiêu chuẩn xây dựng - theo Brandon Meng, một kỹ sư thủy lợi làm việc tại thành phố Thâm Quyến, cho hay. “Một khi thời tiết cực đoan” - ông Meng nói - “Sẽ rất dễ tạo nên tình thế cực kỳ nguy hiểm”.
Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo người dân Trung Quốc sẽ còn phải hứng chịu lũ lụt dai dẳng cho đến khi chính quyền đề ra biện pháp kiểm soát hiệu quả biến đổi khí hậu.
“Lũ lụt tồi tệ như chúng ta thấy là kết quả của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu” - Liu Junyan, nhà hoạt động thuộc tổ chức Hòa bình xanh ở Đông Á, nói - “Cần phải tăng cường năng lực cảnh báo sớm, kiểm soát lũ tốt hơn và đánh giá mối đe dọa của hiện tượng thời tiết cực đoan với các thành phố”.
Tần suất xảy ra mưa và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu đã liên tục thay đổi theo chiều hướng xấu trong 6 thập kỷ qua, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết.
Chen Tao, nhà khí tượng đến từ Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc, nói mưa lũ năm nay có cường độ gấp đôi, thậm chí gấp ba mức thông thường hàng năm.
Mực nước biển dâng cao, do tác động trực tiếp của hiện tượng Trái đất ấm lên, đang đe dọa nhiều thành phố ở Trung Quốc. Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, mực nước biển trung bình ở các thành phố ven biển đã tăng 3,4mm mỗi năm, từ các năm 1980-2019, vượt mức trung bình của thế giới.
Năm 2019, mực nước ở vùng ven biển Trung Quốc đã cao hơn 72mm so với mức bình thường. Với tốc độ này đến năm 2100, vùng châu thổ Châu Giang – trung tâm sản xuất hàng hóa, là nơi hơn hàng chục triệu người sinh sống, có thể bị nhấn chìm với mực nước 67cm.
Ngoài biến đổi khí hậu, hàng thập kỷ phát triển kinh tế, đô thị hóa, bao gồm lấn đất hồ, vùng ngập nước, đã làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa tự nhiên.