Tình trạng mưa lũ ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến trầm trọng trong khoảng thời gian cuối tuần qua, có ít nhất 14 người thiệt mạng trong một ngày, trong khi hồ chứa của đập Tam Hiệp vượt mức báo động tới 18 m.
Mực nước hồ chứa Tam Hiệp vượt mức báo động
Theo Tân Hoa Xã, 3 cửa xả lũ của đạp Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã được mở, khi mực nước ở trong hồ chứa của con đập khổng lồ này vượt 18 m so với mức báo động. Con đập này giữ lại khoảng 45% lượng nước lũ.
Ở thượng nguồn, khoảng 11 người đã thiệt mạng ở Trùng Khánh trong sáng hôm thứ Bảy, Bản tin của Cơ quan Khẩn cấp Quốc gia Trung Quốc nói trong một bản tin trực tuyến. Hơn 20.000 người dân đã được lệnh sơ tán và khoảng 1.031 ngôi nhà bị phá hủy.
Trước đó, 3 vụ lở đất ở thị trấn Dunhao ở một vùng núi của Trùng Khánh khiến 6 người chết, cơ quan khẩn cấp của thành phố này cho hay. Các thi thể đã được tìm thấy vào tối 17/7 sau khi hơn 200 người tìm kiếm và cứu hộ. Lượng mưa ở thị trấn Dunhao lên đến 380 mm. Ngoài ra còn có 3 người thiệt mạng ở tỉnh Hồ Bắc.
Kênh truyền hình nhà nước CCTV chiếu đoạn băng cho thấy người dân dọn dẹp những đường sá lầy lội và những cửa hàng còn đọng nước ở thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, sau trận lụt nghiêm trọng ngày 17/7. Nhân viên cứu hộ đã sử dụng bè bơm hơi để giải cứu hơn 1.900 người bị mắc kẹt trong nhà và các tòa nhà khác.
Theo Cục Khí tượng Trung ương Trung Quốc, đợt mưa lớn từ ngày 16 đến ngày 18/7 đã bước vào thời kỳ mạnh nhất. Trận mưa lớn vào ngày 17/7 đã ảnh hưởng đến các tỉnh Trùng Khánh, Quý Châu, Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô...
Trong đó, mưa đặc biệt lớn tới 375 mm đã xảy ra ở một số khu vực của Trùng Khánh - địa phương có hồ và đập Tam Hiệp.
Phần phía Tây của vành đai mưa lớn trong các ngày 18 và ngày 19/7 gây những cơn mưa lớn tại các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và lưu vực sông Hoài.
Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cơn lũ Số 2 trên sông Dương Tử năm 2020 đã hình thành vào ngày 17/7 ở thượng nguồn. Dòng chảy đổ vào hồ chứa đập Tam Hiệp tăng lên rất nhanh, đạt 61.000 m3/s vào lúc 8h00 ngày 18/7. Lúc 9h00 Chủ nhật 19/7, mực nước hồ đã dâng lên mức 163,47 m cao hơn 18,47 m so với mức giới hạn chống lũ là 145 m.
Đây là trận lũ lớn nhất đổ đến Tam Hiệp kể từ đầu mùa lũ năm 2020 và nó đã gần với lưu lượng đỉnh lớn nhất của cơn đại hồng thủy năm 1998 tại trạm Nghi Xương.
Công tác chống lũ khó khăn
Sau một cuộc họp khẩn, Bộ Thủy lợi đã gửi điện cho chính quyền các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, yêu cầu làm tốt công tác bảo vệ bờ kè và chuẩn bị sẵn khu vực phân lũ. Hiện tại, 9 nhóm công tác trong đó có các nhóm do 3 lãnh đạo Bộ Thủy lợi dẫn đầu vẫn đang ở tuyến đầu để hỗ trợ các địa phương trong chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt.
Theo Tân Hoa Xã, việc gia tăng xả lũ của hồ chứa Tam Hiệp đã gây tác động liên đới tới hồ Động Đình khiến mực nước tại trạm Thành Lăng Cơ - trạm kiểm soát dòng chảy của hồ - đã tăng trở lại. Hiện tại, có 16 trạm thủy văn ở hồ Động Đình có mực nước cao vượt mức báo động, 81 kè và 1.771,6 km đê đã xuất hiện mực nước quá cảnh báo. Tình hình chống lũ là khá nghiêm trọng.
Cơ quan Thủy văn dự báo, từ nay đến ngày 21/7, mực nước hồ Động Đình sẽ vẫn trong xu thế từ từ dâng lên. Cơ quan phòng lũ nhắc nhở, do mực nước hồ đã ở mức rất cao trong gần nửa tháng, đê bao đã ngấm nước ở mức bão hòa nên nguy cơ vỡ đê là rất lớn.
Áp lực kiểm soát lũ tại hồ Thái Hồ ở Giang Tô cũng tăng lên mạnh và lệnh báo động ứng phó khẩn cấp đã được nâng lên cấp I (mức cao nhất). Sở Thủy lợi tỉnh Giang Tô đã nâng cấp cảnh báo lũ lên mức “đỏ” cho hồ Thái Hồ. Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Lục Quế Hoa đã về chỉ đạo công tác phòng chống lũ ở hồ Thái Hồ.
Lũ lụt theo mùa tấn công phần lớn Trung Quốc hàng năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam nước này, tuy nhiên lượng mưa năm nay lại cao bất thường. Khoảng 1,8 triệu người đã được sơ tán và thiệt hại trực tiếp do lũ lụt ước tính lên tới hơn 7 tỷ USD - theo Bộ Quản lý Khẩn cấp.
Mối lo ngại lũ chồng lũ đang tăng lên ở Vũ Hán và các đô thị hạ nguồn sông Dương Tử, nơi có hàng chục triệu người. Trận lũ lụt tồi tệ nhất Trung Quốc trong những năm gần đây là vào năm 1998, khi hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy, chủ yếu dọc theo sông Dương Tử.