Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này thay thế Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017.
Đề cập đến ý nghĩa của việc ban hành Quy định 214 vào thời điểm trước thềm đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra trong năm 2020, ông Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) người được tham gia vào quá trình bổ sung một số nội dung mới cho Quy định 214, cho biết, so với Quy định 90, Quy định 214 có bổ sung thêm mấy chục chức danh mới. Việc bổ sung những nội dung mới nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình công tác cán bộ cũng như đội ngũ cán bộ hiện nay để chuẩn bị cho công tác nhân sự của Đại hội XIII sắp tới được chặt chẽ, khoa học hơn.
Theo ông Giang, việc ban hành Quy định 214 vào thời điểm này nhằm hoàn thiện thêm các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, bổ sung thêm các quy định nhằm giúp cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong điều kiện mới. Đây có thể coi là bước tiến mới trong công tác cán bộ của Đảng cũng như trong công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt điều được ông Giang nhấn mạnh nằm ở việc quy định mới về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chức danh Tổng Bí thư có thể nói đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, những quy định mới về tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư ở Quy định 214 dường như không có nhiều sự khác biệt so với Quy định 90. Những nội dung mới được điều chỉnh thêm vào Quy định lần này, có thể nói, đều là những quy định hợp với lòng dân.
“Đơn cử, so với Quy định cũ, tiêu chuẩn đặt ra với chức danh Tổng Bí thư không chỉ cần có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, mà Quy định mới còn nhấn mạnh đến cụm từ “cán bộ chủ chốt”. Hay cá nhân đảm đương chức danh Tổng Bí thư không chỉ là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng mà quan trọng còn phải giành được uy tín trong lòng nhân dân. Cùng với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, người đảm nhận chức danh Tổng Bí thư phải là “trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị” thay vì “hạt nhân đoàn kết” như Quy định cũ”- ông Giang cho hay.
Thế nhưng, điều được dư luận quan tâm không chỉ nằm ở những điều chỉnh về tiêu chuẩn chức danh chủ chốt của đất nước mà người dân còn kỳ vọng ở việc quy định cụ thể những chức danh lãnh đạo chủ chốt cũng tác động mạnh mẽ trong lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp. Bởi rằng, nếu lựa chọn được những cán bộ chủ chốt cấp cơ sở với tâm trong sáng, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thì chắc chắn bộ máy cấp trên sẽ càng vững chắc vì thành công của mọi cuộc cách mạng đều “xuất phát từ cơ sở”.
Cũng phải nhìn nhận rằng, ở góc độ quản lý nhà nước cũng như giám sát, chính việc công khai cụ thể các tiêu chí chức danh sẽ phần nào giúp cho việc giám sát của nhân dân, các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể thêm thuận lợi hơn. Bởi khi đã có các tiêu chí rõ ràng thì việc “chiếu” theo quy định để giám sát sẽ góp phần tăng thêm sự chặt chẽ trong công tác cán bộ hiện nay. Bởi lẽ trước tiên các chức danh đều thuộc diện nằm trong quy hoạch. Quy hoạch đó sẽ được nhân dân, MTTQ Việt Nam giám sát dựa trên những tiêu chí cụ thể của mỗi chức danh. Vẫn biết công tác cán bộ là công việc khó, nhạy cảm song chính việc thông qua Quy định 214 sẽ giúp cho việc lựa chọn cán bộ chắc chắn hơn, vì trên “nóng” dưới cũng phải chuyển.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu, trong năm 2020 toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, phấn đấu để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2020. Theo đó trọng tâm là cần tập trung tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Khi sự quyết tâm của Đảng đã được cụ thể hóa bằng hành động đối với chuẩn các chức danh chủ chốt của đất nước thì chắc chắn dưới cơ sở sẽ chuyển động đúng hướng.