Trong một thời gian dài, lao động nước ngoài không muốn làm việc tại Nhật Bản vì đồng Yên yếu và mức lương thấp. Tuy nhiên, số lượng người nước ngoài làm việc tại nước này đang tăng lên, đạt mức cao kỷ lục vào tháng 10/2023.
Thị trường việc làm hấp dẫn...
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, số lượng người nước ngoài làm việc tại nước này đạt mức cao kỷ lục là 2,04 triệu vào tháng 10/2023, tăng hơn 12% so với năm 2022. Ngoài những người lao động có mức lương thấp, số lượng người nước ngoài có tay nghề cao hoặc chuyên gia cũng đang tăng lên, chiếm 29%. Trong số đó, những người thuộc nhóm kỹ sư/chuyên gia về khoa học nhân văn/dịch vụ quốc tế chiếm 18%. 4 quốc tịch hàng đầu đại diện trong nhóm này đều là người châu Á, theo thứ tự là Trung Quốc, Việt Nam, Nepal và Hàn Quốc.
Theo ông Takashi Kumon – Giáo sư tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học châu Á, Tokyo và là giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Chính sách công của Đại học Tokyo, có 2 lý do chính khiến số lượng lao động nước ngoài tăng. Đầu tiên là sự quan tâm ngày càng tăng đối với xã hội và văn hóa Nhật Bản - một sản phẩm của sức mạnh mềm của đất nước đã thúc đẩy mong muốn được sống ở đây của mọi người.
Lý do thứ hai là ngày càng khó để những người châu Á trẻ tuổi tìm được việc làm tại quê nhà. Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong tháng 5, tình trạng thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 24 ảnh hưởng đến nhiều nơi ở châu Á, chẳng hạn như Ấn Độ (15,4%), Trung Quốc (15,4%), Indonesia (13,8%) và mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương là 13,9%.
Ông Takashi Kumon cho rằng, không phải tất cả những người có trình độ học vấn cao đều thất nghiệp, nhưng số lượng lớn người tìm việc và sự cạnh tranh gay gắt khiến ngay cả họ cũng khó tìm được công việc đáp ứng đúng kỳ vọng. Một sinh viên Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc, ngay cả những người tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu cũng rất khó để tìm được việc tại các công ty lớn do sự cạnh tranh với những người đã làm việc trong ngành.
“Vì lý do trên, có một bộ phận thanh niên nhất định sẵn sàng rời Hàn Quốc để tìm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, các trường đại học Hàn Quốc không được đánh giá cao ở Mỹ và chi phí học tập tại Mỹ rất cao, vì vậy Nhật Bản là thị trường lý tưởng hơn” - sinh viên Hàn Quốc cho biết.
Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại Nhật Bản trong cùng thời kỳ được ILO khảo sát chỉ là 4%. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng. Do hệ thống tuyển dụng "theo kiểu thành viên" độc đáo của Nhật Bản, không giống như các công ty ở nước ngoài tìm kiếm những người có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với vị trí, các tổ chức Nhật Bản tuyển dụng ứng viên dựa trên tiềm năng của họ, bất kể chuyên môn của họ như thế nào và giao cho họ một số công việc nhất định trong khi nuôi dưỡng sự phát triển của họ trong công ty. Và vì nhiều công ty tìm kiếm nhân viên lâu dài nên thường có một số lượng sinh viên mới tốt nghiệp là mục tiêu mà họ tuyển dụng mỗi năm.
Nhưng nhiều rào cản
Nhiều lao động nước ngoài bày tỏ sự khó khăn khi làm việc cho các tổ chức của Nhật Bản. Một số sinh viên nước ngoài cho biết, họ muốn làm việc tại Nhật Bản, nhưng cho một công ty nước ngoài.
Theo ông Takashi Kumon, lý do bắt nguồn từ việc các công ty của Nhật Bản yêu cầu trình độ tiếng Nhật rất cao tại nơi làm việc. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của một công ty tuyển dụng, 2 phẩm chất hàng đầu mà các công ty Nhật Bản tìm kiếm khi tuyển dụng sinh viên quốc tế là kỹ năng giao tiếp và tiếng Nhật cho cả chuyên ngành nghệ thuật tự do và khoa học.
Một sinh viên Trung Quốc làm việc cho một công ty tư vấn nước ngoài tại Nhật Bản - người đã đạt được trình độ N1, trình độ cao nhất của Kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho biết: "Tôi không đủ tự tin khi nói và viết tiếng Nhật dùng trong kinh doanh, chẳng hạn như cách diễn đạt kính ngữ".
“Tốc độ tăng trưởng chậm cũng khiến nhiều lao động nước ngoài nản lòng. Nếu không thể phát triển sự nghiệp, họ có thể muốn đổi việc để tiếp cận các vị trí cao hơn” – ông Kumon nói.
Theo các chuyên gia, có 2 cách để giải quyết những vấn đề này. Cách đầu tiên là các công ty cho phép người lao động sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Nhật, bao gồm đào tạo nhân viên người Nhật và hỗ trợ giáo dục tiếng Nhật cho người nước ngoài. Nâng cao trình độ ngôn ngữ cũng có nghĩa là thành lập các khoa tiếng Nhật tại các trường đại học ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Á.
Các công ty cũng nên cung cấp hỗ trợ nghề nghiệp. Các công ty Nhật Bản thường để phòng nhân sự của họ quyết định việc chuyển giao nhân viên nhưng thay vào đó, họ nên hỗ trợ nhân viên của mình theo đuổi con đường sự nghiệp của họ một cách tích cực.
Nói chung, các rào cản liên quan đến ngôn ngữ, vị trí làm việc và văn hóa làm việc đang ngăn cản Nhật Bản tận dụng tối đa cơ hội có giá trị để thu hút nhiều nhân tài nước ngoài hơn từ các khu vực xung quanh.
Giáo sư Takashi Kumon cho rằng, các công ty Nhật Bản cần khẩn trương thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, đồng thời tạo ra nơi làm việc thoải mái cho mọi người. Điều này không chỉ nhằm cải thiện điều kiện cho người nước ngoài mà còn giải quyết các vấn đề cơ bản trong các công ty và xã hội Nhật Bản.
Theo khảo sát năm 2022 của Tổ chức Dịch vụ sinh viên Nhật Bản, 58% sinh viên nước ngoài muốn tìm việc làm tại Nhật Bản nhưng chỉ có 44% làm được. Nhóm thành công nhất là những sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên ngành, trong đó gần 60% tìm được việc làm, nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn 38% đối với những người có bằng cử nhân và 29% đối với những người có bằng thạc sĩ, cho thấy tỷ lệ này giảm khi trình độ chuyên môn hóa tăng lên.