Từ ngày thành lập đến nay, tôn chỉ hoạt động của Quốc hội dựa trên hai trụ cột quan trọng, đó là tinh thần đại đoàn kết và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chính những điều này đã làm nên bản sắc của QH Việt Nam để QH luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước- nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với Đại Đoàn Kết.
Ông Dương Trung Quốc.
Tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông có may mắn là người làm sử nên tiếp cận được với nguồn tư liệu về những ngày đầu của QH. Ông cũng là ĐBQH được trải nghiệm qua 3 nhiệm kỳ QH khóa 11, 12, 13 nên có thể nhìn nhận một cách khá đầy đủ, biện chứng về con đường phát triển của QH.
Theo ông Quốc, ngay từ đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt Nhà nước Việt Nam vào quỹ đạo của nền chính trị hiện đại. Rõ ràng, sự lựa chọn thể chế dân chủ cộng hòa là sự lựa chọn rất sáng suốt để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu vừa lớn nhưng rất cụ thể thể hiện ở câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời: “Nước độc lập mà dân không có tự do, dân không có hạnh phúc thì vô nghĩa”.
Từ mục tiêu giành độc lập dân tộc cho đến mục tiêu xây dựng Nhà nước bảo đảm người dân có quyền làm chủ vận mệnh của mình mang lại hạnh phúc cho người dân là cuộc chiến đấu rất lâu dài của lịch sử. Nền tảng đầu tiên hết sức vững chắc là nền dân chủ ấy được xây dựng trên nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là đặc điểm của dân tộc Việt Nam.
Ông Quốc cho biết, ông rất nhớ bức thư Bác viết 2 tuần sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 17/9/1945, Bác viết thư như một tâm sự rất riêng với các đồng chí của mình ở quê hương Nghệ An. Trong thư Bác viết: Rõ ràng việc đánh đổ một chế độ cũ, chế độ thuộc địa, phong kiến là mục tiêu hết sức to lớn của lịch sử. Nhưng Bác cũng buông một thán từ: “À, việc này mới là khó!”. Việc khó là việc xây dựng đất nước. Bởi xây dựng đất nước làm sao hòa hợp nhiều tầng lớp xã hội khác nhau không phải là việc dễ.
Nếu đánh giặc thì toàn dân hợp sức còn xây dựng đất nước thì mỗi người có suy nghĩ, có lợi ích và vị thế khác nhau. Chính QH phải thực thi mục tiêu đoàn kết, bên cạnh những quyết định tối cao liên quan đến đấu tranh vì nền hòa bình thì vấn đề xây dựng, thúc đẩy một xã hội phát triển lành mạnh, mang lại hạnh phúc cho toàn dân đây là mục tiêu hết sức cao cả, quan trọng.
Vì vậy, cuộc họp đầu tiên Bác đã coi xây dựng khối đại đoàn kết trong QH là quan trọng nhất. Chỉ có đại đoàn kết mới tìm được sự đồng thuận. Có sự đồng thuận mới có sức mạnh. “Có thể nói đấy là một biểu trưng của đặc thù của QH Việt Nam. Tinh thần đại đoàn kết đã trở thành hạt nhân trong sự phát triển. Đoàn kết ở đây là đoàn kết có đấu tranh, có mục tiêu. Vì thế chúng ta nhìn lại 70 năm qua của QH Việt Nam, trải qua 13 nhiệm kỳ QH, mỗi một thời kỳ lịch sử có nhiệm vụ lịch sử khác nhau, hoàn cảnh, mục tiêu khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo ra một khối đại đoàn kết toàn dân để lựa chọn con đường phát triển cho đất nước trên một tinh thần pháp luật”- ông Quốc chia sẻ.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền
Chúng ta vẫn nói cách mạng là sự nghiệp của toàn dân điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng điều hết sức quan trọng là người chỉ đường dẫn lối. Bác Hồ là chiến sỹ quốc tế cộng sản, đã từng trải qua thời kỳ của Xô Viết. Vậy tại sao khi cầm quyền lại không lựa chọn chế độ Xô Viết mà lựa chọn một trong những chế độ chính trị được coi là hiện đại nhất, hạt nhân quan trọng nhất là phát huy quyền dân chủ, đó là chế độ dân chủ cộng hòa.
Phát huy quyền làm chủ của người dân đó là nhiệm vụ của QH Việt Nam. QH có vai trò cực kỳ quan trọng để phát huy tinh thần này. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ rất sớm ngay trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, trong bài giảng cho thế hệ những người chiến sỹ cách mạng đầu tiên ở Quảng Châu, trong cuốn Đường Kách Mệnh…Từ những hoạt động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu rất nhiều thể chế chính trị khác nhau và đã khẳng định con đường xây dựng đất nước chính là xây dựng Nhà nước pháp quyền. Rõ ràng, tinh thần quyền lực của pháp quyền ăn sâu vào tư duy, tạo nên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nói đến sự thành công của cách mạng là nói đến ý chí của quần chúng, nhưng ý chí ấy mà không có được nền tảng pháp lý đôi khi trở thành những phong trào dẫn tới khuynh hướng cực đoan. Những gì biểu hiện trong cách mạng thể hiện rõ tinh thần như vậy. Bên cạnh đại đoàn kết là truyền thống thì tinh thần pháp luật là hiện đại. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại chính là hạt nhân tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như văn hóa kết hợp giữa Đông và Tây. QH luôn coi hạt nhân đại đoàn kết là quan trọng, nhưng đoàn kết để làm gì, đoàn kết để thống nhất với nhau trên nền tảng pháp lý mới có thể lãnh đạo, quản lý đất nước theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Điều này thể hiện rõ nhất là bản Hiến pháp năm 1946 và những lần sửa đổi Hiến pháp của những năm tiếp sau.