Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa tích cực triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa.
PV:Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Thanh Hóa ra sao thưa bà?
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Thực hiện Luật Bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp; Kế hoạch của Hội đồng Bầu cử (HĐBC) quốc gia, UBTƯ MTTQ Việt Nam, kế hoạch của UBBC tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của công tác Mặt trận trong năm 2021, do đó đã tập trung triển khai các nhiệm vụ MTTQ tham gia bầu cử một cách tích cực, chủ động, khẩn trương, đảm bảo dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Trước hết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp thành lập tổ chức bầu cử các cấp theo quy định, đúng thời gian. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập UBBC tỉnh, 27 UBBC cấp huyện, UBBC 559 cấp xã; thành lập 5 đơn vị bầu cử Quốc hội khóa XV, 27 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh, 259 đơn vị bầu cử cấp huyện, 3.911 đơn vị bầu cử cấp xã.
Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bầu cử và Tổ giúp việc thuộc cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh, phân công cán bộ phụ trách, chỉ đạo hướng dẫn MTTQ các cấp; phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan, đơn vị triển khai công tác bầu cử đảm bảo thông suốt, hiệu quả, theo đúng kế hoạch.
Tập trung làm tốt các bước quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành tổ chức xong 2 Hội nghị hiệp thương để thỏa thuận thống nhất lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khoá XV và danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND các cấp với tổng số 30.818 người, bảo đảm cơ cấu, thành phần, số dư cần thiết.
Đồng thời, MTTQ các cấp đã tích cực triển khai kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát theo 3 đợt. Thông qua việc kiểm tra, giám sát nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử của MTTQ các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; MTTQ đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử; đồng thời có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo, kiến nghị nhằm giúp MTTQ các cấp trong tỉnh khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.
Vấn đề mà cử tri quan tâm nhất hiện nay là việc lựa chọn giới thiệu ứng cử viên có đức, có tài - những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân để đưa vào danh sách bầu cử. Bà có thể cho biết chất lượng của các ứng cử viên và cơ cấu thành phần mà Hội nghị hiệp thương các cấp đã lựa chọn?
-Thông qua các bước triển khai kỹ lưỡng, chặt chẽ, dân chủ, công khai, người dân có thể phấn khởi, tin tưởng vào sự lựa chọn của Ủy ban MTTQ để giới thiệu người ứng cử đảm bảo đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng của người đại diện cho nhân dân. Việc giới thiệu người ứng cử từng bước được triển khai cụ thể, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Người được giới thiệu ứng cử phải có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân; cơ cấu những người ứng cử bảo đảm tỷ lệ hợp lý đại diện cho các ngành, các cấp, dân tộc, nữ, độ tuổi.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp thông qua hiệp thương lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, chất lượng, thực sự đại diện cho nhân dân, cương quyết không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.
Sau hai vòng hiệp thương, đối với ĐBQH đã thống nhất thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 25 người ứng cử với cơ cấu: Về trình độ chuyên môn, có 1 đại biểu có học hàm PGS, 4 người có học vị TS, 5 người có học vị ThS, 14 người có trình độ đại học; trình độ lý luận: Cử nhân, cao cấp: 10 người; trung cấp 5 người. Đối với đại biểu HĐND các cấp: Cấp tỉnh thỏa thuận thống nhất lập danh sách sơ bộ 196 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Về trình độ chuyên môn: Có 1 PGS, 11 người TS, 67 ThS, đại học, cao đẳng có 91 người, trung cấp 9 người. Về trình độ chính trị: Cử nhân cao cấp: 102 người, Trung cấp 32 người. Đối với cấp huyện, cấp xã đảm bảo cơ cấu, thành phần theo quy định.
Bên cạnh việc tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực MTTQ các cấp quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét nơi công tác và nơi cư trú. Nếu người được dự kiến giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc, nơi cư trú, thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người khác và không đưa vào danh sách chính thức.
Với quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định, người dân có thể tin tưởng vào chất lượng đại biểu của nhân dân thực sự là những người có uy tín, trách nhiệm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tiếng nói của nhân dân trên diễn đàn Quốc hội và HĐND các cấp.
Trong thời gian tới MTTQ tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai những công việc gì để cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân và cử tri phát huy tối đa quyền, nghĩa vụ của mình, thưa bà?
-Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp sẽ diễn ra. Để cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân và cử tri phát huy tối đa quyền, nghĩa vụ của mình trong thời gian tới Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai những nội dung chủ yếu sau: Chuẩn bị và tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, xong trước ngày 18/4/2021; Tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, theo quy định và hướng dẫn của Trung ương; Tổ chức triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định; Phối hợp với các Tổ bầu cử triển khai thực hiện các nhiệm vụ bầu cử tại các điểm bầu cử, giám sát việc niêm yết danh sách cử tri, tiểu sử các ứng cử viên; việc thực hiện các quy định nơi bỏ phiếu; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo để vận động cử tri tham gia bầu cử đạt tỷ lệ cao, bầu đúng, đủ số lượng.
Trân trọng cảm ơn bà!