Tiếng dân

Lừa đảo trực tuyến: Thủ đoạn cũ, cảnh báo nhiều sao người dân vẫn mắc bẫy?

Thái Nhung 06/07/2024 09:32

Tải đăng ký phần mềm dịch vụ công giả mạo, giả mạo công an, ấn link xem quảng cáo lấy tiền, đầu tư sinh lời nhanh, giả danh người nước ngoài tặng quà… là những chiêu lừa đảo liên tục được các cơ quan chức năng cảnh báo, thế nhưng vẫn nhiều người sập bẫy.

anh-bai-tren.jpg
Có nhiều hình thức kiếm tiền trên mạng, nếu không lựa chọn những trang web uy tín người dùng rất dễ sập bẫy lừa đảo. Ảnh: T.Nhung.

Tiền trong tài khoản không cánh mà bay

Ngày 3/7, Công an phường Nam Dương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết đã kịp thời ngăn một phụ nữ suýt bị lừa đảo 300 triệu đồng. Theo đó, khoảng 16 giờ ngày 2/7, bà T.T.N. (66 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) mang 300 triệu đồng đến ngân hàng nhờ chuyển vào tài khoản của một ngân hàng với tên chủ tài khoản là Tống Thị Như Quỳnh.

Thấy bà N. có nhiều dấu hiệu bất thường, nghi bà N. bị lừa đảo, nhân viên ngân hàng vừa khuyên can bà N. vừa gọi Công an phường Nam Dương hỗ trợ. Qua làm việc, bà N. cho biết, chiều cùng ngày có người tự xưng là công an gọi điện thông báo bà liên quan một tổ chức tội phạm, yêu cầu nộp 300 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ nêu trên để chứng minh vô tội. Bà N. cũng bị yêu cầu không tiết lộ thông tin, nếu không bà sẽ bị bắt. Do bà N. ở một mình, bị đe dọa "bắt giữ" nên tâm lý hoảng loạn, và đã chuyển tiền cho đối tượng. Đến sáng 3/7, dưới sự giúp đỡ của Công an phường Nam Dương, bà N. đã bình tĩnh, nhận thức được thủ đoạn lừa đảo và đến ngân hàng làm thủ tục nhận lại số tiền.

Vừa nhận tiền trợ cấp thai sản, chị Hiền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được một đối tượng gọi điện giới thiệu là người ở một công ty quảng cáo. Đối tượng cho biết đang có rất nhiều link quảng cáo cần tăng tương tác nên muốn mời chị Hiền tham gia làm cộng tác viên. Chỉ cần ngồi click vào link quảng cáo và xem quảng cáo đó trong 3 giây trở lên là sẽ nhận được tiền. Thấy chị Hiền quan tâm, đối tượng đã gửi những hình ảnh chuyển khoản được cho là đã chuyển tiền trả các cộng tác viên quảng cáo khác để lấy lòng tin.

“Tôi rất quan tâm vì như thế tôi sẽ có thêm một khoản thu nhập khi đang ở cữ. Với đồng lương công nhân ít ỏi thì việc có thêm tiền để mua sữa cho con là rất cần thiết. Tôi đã nhấp vào link mà đối tượng gửi để đăng ký cộng tác viên. Sau khi điền đầy đủ các thông tin cá nhân, một lúc sau toàn bộ số tiền 27 triệu đồng trong tài khoản của tôi không cánh mà bay. Tôi gọi lại cho đầu dây bên kia thì không liên lạc được, toàn bộ ảnh trên zalo cũng đã bị thu hồi và tài khoản zalo đã bị khóa, lúc này tôi mới biết mình bị lừa” - chị Hiền cho biết.

Cả hai trường hợp lừa đảo nêu trên đều là những thủ đoạn quen thuộc, liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông trong thời gian dài, thế nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa.

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), sở dĩ người dân vẫn tiếp tục bị lừa, dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới là do sự tinh vi của các thủ đoạn lừa đảo. Các đối tượng liên tục thay đổi, biến tướng các hình thức lừa đảo, dựa theo những sự kiện thực tế, chúng tìm hiểu, phân tích tập dượt rất kỹ. Vì vậy nội dung của chúng thường khớp 70 - 80% so với những gì nạn nhân đã được biết. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các công nghệ mới như deepfake giúp cho các nội dung lừa đảo càng khó nhận biết; Tiếp theo là nạn nhân bị tâm lý bởi những câu chuyện mà đối tượng lừa đảo trao đổi. Đó là tâm lý hám lợi khi nghe các chương trình khuyến mãi khủng, đầu tư sinh lời cao, cũng có thể là tâm lý lo lắng sợ sệt khi bản thân gặp phải những vấn đề rắc rối hoặc người thân, bạn bè đang trong tình huống khẩn cấp. Khi rơi vào tình huống đó, dưới sự tác động, gây áp lực của các đối tượng phạm tội, họ cũng không thoát ra được và bị mắc lừa. Đây là tâm lý luôn tồn tại trong mỗi người dù có được cảnh báo nhiều lần; Một nguyên nhân nữa là các kẽ hở liên quan đến quản lý như vẫn còn những số điện thoại rác, số tài khoản rác được lưu hành, thông tin cá nhân bị lộ lọt, tài khoản bị chiếm đoạt, bị giả mạo dẫn tới môi trường, công cụ của các đối tượng lừa đảo vẫn còn.

Nhấn mạnh tâm lý hám lợi, TS tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) cho biết, một hình thức lừa đảo mà nhiều người đã sập bẫy là giả danh người nước ngoài làm quen, tặng quà, tiền giá trị rất lớn. Món lợi tưởng tượng rất lớn kích hoạt lòng tham của con người khiến họ sẵn sàng làm theo yêu cầu của đối tượng để đạt được lợi ích đó. Kết quả là bị thao túng, dẫn dắt và sập bẫy của bọn tội phạm.

Thế nên, trước những lời mời tặng quà, phần thưởng "từ trên trời rơi xuống", mỗi người cần phải tiết chế lòng tham. Việc tự bảo vệ mình trên không gian mạng, không đặt lòng tin vào người lại, nhất là người mới quen trên mạng vài ngày đã hứa hẹn chuyển tiền, tặng quà hay trao thưởng. Những phần quà hứa hẹn đều là thứ “thính dụ” mà nếu không cảnh giác, không cập nhật thông tin tình hình tội phạm thì ai cũng rất dễ mắc bẫy.

Để phòng, chống bị lừa đảo, ông Ngô Minh Hiếu - nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, khuyến cáo người dùng không nên vội tin vào các nội dung, hình ảnh hay clip nhận được. Cần xác minh lại qua các kênh độc lập, chẳng hạn như gọi điện thoại đến số di động, cố định đã biết, hay hỏi qua một người khác. Không chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân chưa giao dịch lần nào và thường xuyên cập nhật thông tin để nâng cao khả năng nhận biết, phát hiện các dấu hiệu lừa đảo. Bảo vệ thông tin cá nhân của mình, để kẻ xấu không có thông tin tiến hành lừa đảo. Hãy nhớ, cơ quan chức năng không làm việc qua điện thoại. Thường xuyên tìm hiểu, cập nhật những cảnh báo về tình hình lừa đảo qua mạng được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lừa đảo trực tuyến: Thủ đoạn cũ, cảnh báo nhiều sao người dân vẫn mắc bẫy?