Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, mỗi năm thiệt hại về tài sản trong những vụ cháy nổ trên cả nước lên tới cả nghìn tỷ đồng, chưa kể thiệt hại về người. Ấy vậy nhưng có vẻ như một số các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, và cả người dân đều chưa biết sợ, chưa thực sự quan tâm chú trọng đến công tác phòng, chống cháy nổ. Đó là lý do mà cứ trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng gần 10 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng gần 10 tỷ đồng, làm chết và bị thương khá nhiều người.
Vụ cháy tại Chung cư Carina, quận 8, TP HCM hồi đẩu năm nay đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ảnh: Lê Toàn.
Người ta ghét lửa bởi nó thiêu rụi cơ ngơi, tài sản, khiến nhiều người phải chết tức tưởi, thậm chí thiêu rụi luôn ước mơ, khát vọng cả đời của một người. Song, khi xảy ra cháy nổ đã có ai từng nghĩ, giá như mình cẩn thận hơn, giá như mình tuân thủ các quy định của pháp luật, giá như mình làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao... thì đâu có xảy ra cơ sự cháy nổ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tiếc rằng, thay vì tự vấn xem cá nhân, đơn vị mình đã tuân thủ quy định chưa, đã làm tốt nhiệm vụ chưa thì người ta thường hay đổ lỗi cho người khác, nhất là đổ lỗi cho khách quan.
Tất cả mọi việc trên đời diễn ra đều có nguyên nhân và hệ quả tất yếu của nó. Theo đó, các vụ cháy nổ cũng không phải là tự nhiên hay vô tình mà xảy ra, nó đều có những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan trong đó, nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan từ con người. Đương nhiên khi mà cháy nổ xảy ra do lỗi chủ quan mà người ta lại không tỉnh táo để nhận ra mình đã sai lầm ở đâu, vi phạm chỗ nào thì sẽ chẳng bao giờ có thể “rút kinh nghiệm” để tránh những thảm cảnh tương tự lặp lại. Giống như việc trị bệnh mà bắt sai bệnh thì dẫn đến kê sai thuốc, làm sao khỏi bệnh đây?
Bởi vậy mà cứ thi thoảng các cơ quan truyền thông lại loan tin cháy chỗ này, nổ chỗ khác, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản. Đôi khi tại một địa phương người ta chưa kịp khắc phục xong hậu quả của trận hỏa hoạn này, lại tiếp tục xảy ra trận hỏa hoạn khác thậm chí còn lớn hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn. Có những vụ cháy chung cư khiến cả cộng đồng xã hội xôn xao tưởng như sẽ không bao giờ xảy ra nữa, nhưng chỉ ít lâu sau lại xảy ra vụ cháy tương tự ở một chung cư khác. Mỗi khi có hỏa hoạn mới lộ ra ở đâu đó người ta không tuân thủ những quy định an toàn về phòng, chống cháy nổ.
Hành lang pháp lý cũng đã quy định rõ đối với những nơi dễ xảy ra hỏa hoạn, những nơi chứa nhiều vật liệu dễ bắt lửa, hay hóa chất dễ cháy nổ... đều phải có hệ thống phòng, chống cháy nổ được cơ quan công an phê duyệt trước khi đi vào sử dụng. Song, trên thực tế thì tỷ lệ những khách sạn, nhà hàng, phòng trọ, chung cư, xưởng sản xuất kinh doanh... có hệ thống phòng chống cháy nổ rất thấp, nếu có cũng chỉ là hình thức để đối phó cơ quan chức năng.
Từ đó có thể thấy việc liên tục xảy ra cháy nổ là chuyện tất nhiên khó tránh khỏi. Và khi “bà hỏa” được “tự do” viếng thăm các cư dân, các xưởng sản xuất, các cơ quan, đơn vị... thì hàng nghìn tỷ đồng tài sản bị thiêu rụi, vô số người thiệt mạng cũng là hệ quả tất yếu xảy ra mà thôi. Đáng nói là sau mỗi vụ cháy nổ thì người ta lại lên tiếng sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, nhưng có vẻ “sợi dây kinh nghiệm” rút mãi không hết nên lại vẫn tiếp tục xảy ra những vụ cháy nổ đáng tiếc tương tự, để rồi lại “hòa cả làng”, lại tiếp tục rút kinh nghiệm mà không ai phải chịu trách nhiệm gì.
Thử hỏi, khi một chung cư, nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, phòng trọ... không có hệ thống phòng chống cháy nổ mà vẫn được đưa vào vận hành, khai thác thì trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Thử hỏi khi một nơi buộc phải có hệ thống phòng, chống cháy nổ được phê duyệt mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng, khi xảy ra hỏa hoạn hệ thống không hoạt động được dẫn đến hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản thì trách nhiệm của cơ quan công an và cá nhân người đã ký duyệt hệ thống đó như thế nào?
Lâu nay chưa có bất cứ cán bộ chính quyền hay của cơ quan PCCC nào bị cách chức, bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm dẫn đến chết nhiều người và thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Chính vì vậy sẽ khó khiến những người có trách nhiệm biết sợ mà nghiêm túc thực thi đúng các quy định của pháp luật. Khi mà người ta vẫn còn dám cầm phong bì của các chủ nhà hàng, khách sạn, phòng trọ, quán karaoke... để bỏ qua lỗi vi phạm không có hệ thống phòng chống cháy nổ, hoặc có mà không hoạt động, thì các vụ cháy sẽ vẫn tiếp tục xảy ra không thể kiểm soát được.
Lửa không có lỗi. Vấn đề ở chỗ con người có biết sử dụng đúng cách, có biết phòng ngừa những “tác dụng phụ” của nó hay không mà thôi. Khi mà mọi người dân đều biết sợ, có ý thức để tuân thủ đầy đủ những quy định của pháp luật về phòng, chống cháy nổ, khi mà những người thực thi công vụ không còn vì nể nang hay tiêu cực mà uốn cong cán cân công lý thì tin rằng sẽ khó mà xảy ra những vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Và nếu có xảy ra cháy nổ do điều kiện tự nhiên, lý do khách quan thì hậu quả cũng sẽ được kiểm soát ở mức thấp nhất.