Những người dầu khí dù sống giữa “tâm bão” vẫn đoàn kết, nỗ lực làm việc và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Tiếp chúng tôi tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đơn vị trực tiếp quản lý nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - vào hôm mưa gió hồi giữa tháng 9/2017, khi gần như tất cả các bộ phận đang lo chống bão số 10, lãnh đạo Công ty thông báo: BSR vừa trải qua đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3 rất thành công và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, khi phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC) – phân xưởng công nghệ cuối cùng và quan trọng nhất của nhà máy đã khởi động lại thành công và vận hành đạt 100% công suất thiết kế. Vào thời điểm ấy, những người dầu khí vừa phải lo chống bão đến từ ngoài biển khơi và phải lo "chống bão" ở trong chính tâm bão PVN.
Nhưng, những người dầu khí dù sống giữa “tâm bão” vẫn đoàn kết, nỗ lực làm việc và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Thực tế, dù năm 2017, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi và giá dầu thô giữ ở mức thấp kéo dài, song, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên PVN đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước và nhân dân giao phó.
Theo báo cáo mới nhất, PVN đã hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2017, hầu hết chỉ tiêu đều vượt cao hơn so với kế hoạch đề ra. Khai thác dầu trong nước vượt 10,5% kế hoạch (vượt 1,29 triệu tấn - tương đương vượt 0,32% điểm GDP); khai thác khí vượt 3,0% kế hoạch; sản xuất điện vượt 2,4% kế hoạch; sản xuất xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vượt 19,5% kế hoạch; tổng doanh thu vượt 13,8% kế hoạch (tăng 10,1% so với năm 2016); nộp ngân sách nhà nước vượt 30,8% kế hoạch (tương đương vượt 22,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016); lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, hệ số bảo toàn vốn đạt 1,02 lần - đảm bảo an toàn và phát triển vốn…
Nếu nhìn lại lịch sử phát triển của ngành dầu khí, thì có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, PVN luôn có đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước. Đồng thời, PVN đã tích cực trong việc triển khai các dự án dầu khí trong nước gắn với khẳng định chủ quyền quốc gia; đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước; chú trọng quan hệ ngoại giao dầu khí và mở rộng hoạt động dầu khí ra nước ngoài.
Có lẽ chính vì thế, mà trong buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm cho tân Chủ tịch PVN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “PVN có vị trí rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. PVN phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó đó là sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đóng góp tích cực vào việc xây dựng phát triển đất nước và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị an ninh quốc phòng góp phần bảo vệ và giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng. Ở góc độ khác PVN còn là đơn vị góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.”
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần thực hiện các giải pháp và điều hành phát triển PVN theo Chiến lược Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 tại Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, các Quyết định 1748, 1749 của Thủ tướng Chính phủ.
“Các đồng chí mà thất bại thì nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khó có thể hoàn thành vì tỷ lệ đóng góp của Tập đoàn khá lớn trong cơ cấu GDP, cơ cấu nộp ngân sách” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Có một điểm đáng chú ý, đó là ngay tại Lễ trao quyết định hôm 3/1, khi nhắc lại những trang sử vẻ vang của ngành dầu khí, Thủ tướng cũng đồng thời nhắc đến những câu chuyện buồn, từng chạm vào tư tưởng, tình cảm của nhiều người dầu khí trong mấy năm nay.
Bên cạnh một truyền thống lịch sử tốt đẹp đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước với nhiều cá nhân xuất sắc; những tập thể lao động quên mình, nhằm đóng góp xây dựng tập đoàn và đóng góp xây dựng đất nước nhưng “Trong quá trình đó, chúng ta cũng phải vấp váp, trả giá do thiếu kinh nghiệm, do chủ quan, do nóng vội. Chúng ta đã trả một cái giá rất đắt đối với một số cá nhân có liên quan trong việc quản lý, điều hành PVN. Chúng ta cũng rất đau buồn về điều này.”- Thủ tướng nói.
Có lẽ, Thủ tướng nhắc để những người dầu khí hôm nay thấy rõ hơn vai trò của mình, trách nhiệm của mình với ngành, với đất nước; để mà nhanh chóng vượt qua cái khúc quanh trong tư tưởng và đi tới.
Đúng là có những quá khứ buồn; có những sự trả giá quá lớn nhưng nếu ai đã từng thăm những đơn vị sản xuất của PVN thì sẽ thấy, không có sự nản chí; không có sự chùng xuống. Trên công trường của những đơn vị như BSR, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, PTSC… không khí lao động vẫn rất khẩn trương và việc về đích vượt kế hoạch với nhiều đơn vị của ngành dường như là chuyện năm nào cũng thế. Không ai bảo ai, nhưng với những người lao động, họ quan niệm rất giản đơn: Làm việc và chỉ có làm việc mới là cách khẳng định mình, khẳng định bản lĩnh người dầu khí tốt nhất.
Phát biểu với đông đảo cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí hôm 3/1, Thủ tướng nhấn mạnh: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Quãng thời gian 2 năm qua chính là một giai đoạn thử thách mới đối với ngành dầu khí nói chung và người dầu khí nói riêng.
Đứng từ góc độ người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã đề nghị ngành dầu khí tiếp tục giữ gìn, phát huy đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, xác định tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao; mà làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên, củng cố bộ máy tốt hơn nữa, xây dựng bộ máy tinh gọn, “vừa hồng vừa chuyên”.
“Phẩm chất cán bộ, ngoài năng lực thì đoàn kết, tập hợp đội ngũ để hoàn thành tốt nhiệm vụ là rất quan trọng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Và, có lẽ, chỉ có phát huy bản lĩnh và tinh thần đoàn kết như một tài sản rất quý trong tinh thần của người dầu khí bấy lâu nay thì ngành mới có thể làm tốt hàng loạt nhiệm vụ khá nặng nề mà Thủ tướng vừa giao cho như: Rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực, thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 như đã được phê duyệt; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2018 Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí.
Tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia, như Dự án Cá Voi Xanh, Khí Lô B…nhất là xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị, để khắc phục tình trạng dự án bị chậm lại so với yêu cầu; Dự án nâng cấp, mở rộng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các dự án điện… Và, tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại của 5 dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài.