Luận về đôi mắt

Đỗ Anh Vũ 24/12/2015 10:15

1. Trong các bộ phận thuộc hình thức bên ngoài trên cơ thể người, có lẽ đôi mắt là bộ phận đặc biệt hơn cả. Thứ nhất, theo y học, nó là bộ phận làm việc với cường độ cao nhất. Thứ hai, nó là bộ phận duy nhất diễn tả được cảm xúc, tâm trạng, thậm chí là thần thái tinh anh của một con người. 

Người Việt vẫn thường có những cách nói như: đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đôi mắt biết nói, mắt có thần, mắt lạc thần. Từ việc dùng từ “mắt” để chỉ một bộ phận trên cơ thể người, người Việt tiếp tục sử dụng tín hiệu ngôn ngữ này để đặt tên cho một loạt sự vật trong thế giới khách quan như: mắt bão, mắt cá, mắt cáo, mắt gió, mắt kính, mắt ngỗng, dấu mắt ngỗng (trong âm nhạc), mắt thần (trong điện tử)... Và cũng như các bộ phận cơ thể khác thuộc hình thức bên ngoài của con người, mắt đi vào văn chương và âm nhạc, làm nên bao lời thơ ý nhạc sống mãi với thời gian, thể hiện muôn vàn những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người.

Đầu tiên, ta hãy kể đến những miêu tả về đôi mắt trong cái nhìn của văn học dân gian. Là một yếu tố có vị trí quan trọng hàng đầu trong khoa nhân tướng học, mắt thể hiện nội tâm, cốt cách và phẩm chất của mỗi con người. Đôi mắt đẹp của người phụ nữ được ví von: “Những người con mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Ngược lại là những đôi mắt xấu, mang tướng hạ tiện: “Những người ti hí mắt lươn/Trai thời trộm cắp gái buôn chồng người”; Đôi mắt của người phụ nữ không đoan chính được miêu tả: “Những người con mắt lá khoai/ Liếc chồng chồng chết liếc trai trai mù”. Đôi mắt của những kẻ gian ác, nham hiểm thì được dân gian miêu tả bằng các định danh như: mắt cú vọ, mắt diều hâu...

Người phụ nữ đẹp hiện lên trong bài ca dao với đôi mắt được xem như một trong những ấn tượng hàng đầu, làm xao xuyến trái tim bao chàng trai: “Cổ tay em trắng như ngà/Đôi mắt em sắc như là dao cau”. Đôi mắt ấy tiếp tục được miêu tả trong một câu ca dao khác: “Có rửa thì rửa chân tay/Chớ rửa lông mày chết cá ao anh”. Đôi mắt cùng với hàng lông mày và làn mi được xem là một tổng thể vẻ đẹp, hiện lên trên khuôn mặt yêu kiều của người thiếu nữ. Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trong đoạn tả Kiều cũng được bắt đầu từ vẻ đẹp của đôi mắt: “Làn thu thủy nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Đôi mắt của Kiều được ví như làn nước của mùa thu còn hàng lông mày được ví như dáng núi mùa xuân. Trong một câu thơ tả đôi mắt mà vừa có núi (không gian lên cao) vừa có nước (không gian xuống thấp) quả cũng là một điều hiếm có trong thi ca của người Việt, thể hiện tài năng của một nghệ sĩ ngôn từ bậc thày. Sau này, trong thơ Việt thời kỳ hiện đại, đôi mắt người phụ nữ tiếp tục được ví với những không gian của nước. Không gian ấy có lúc gợi về chiều rộng: Mắt em là một dòng sông/Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em.(Lưu Trọng Lư). Không gian ấy lại có lúc gợi về chiều sâu: Thời gian qua kẽ tay/Làm khô những chiếc lá/Kỷ niệm trong tôi/Rơi/Như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn/Riêng những câu thơ/Còn xanh/Riêng những bài hát/Còn xanh/Và đôi mắt em/Như hai giếng nước (Thời gian – Văn Cao). Không gian ấy có khi là một sức quyến rũ dạt dào mãnh liệt: Em đẹp thế Playku ơi/Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/Đôi mắt Playku Biển Hồ đầy (Đôi mắt Playku – Nhạc và lời: Nguyễn Cường). Trong một góc nhìn khác, một cảm nhận khác, thi sĩ Ấn Độ Tagor lại ví đôi mắt của người yêu với ánh sao sáng trên trời: Ôi rất đẹp mắt em là người mẹ/Ánh sao đêm vời vợi giữa trời thu/Môi em cười là nụ đời hé nở/Không gian chìm trong những tiếng em ru.

2. Bên cạnh việc được miêu tả như một vẻ đẹp đầy thu hút và quyến rũ của người phụ nữ, những đôi mắt còn thể hiện muôn vàn những cung bậc tâm trạng cảm xúc của con người, không phân biệt giới tính hay lứa tuổi. Điển tích văn học cho chúng ta câu chuyện về mắt trắng và mắt xanh. Tương truyền Nguyễn Tịch sống vào đời nhà Tấn, là người yêu rượu và giỏi đàn. Ông cùng sáu người khác cáo quan vào rừng ở, người đời gọi là Trúc lâm thất hiền (Bảy người hiền trong rừng trúc). Khi gặp người mà ông yêu mến, ông sẽ tiếp bằng tròng mắt xanh. Còn nếu bắt buộc phải gặp hạng tầm thường, ông sẽ tiếp bằng tròng mắt trắng. Điển tích về đôi mắt của Nguyễn Tịch đã đi vào nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng của Việt Nam. Từ Hải khi gặp nàng Kiều đã cất lời: Bấy lâu nghe tiếng má đào/Mắt xanh chẳng để ai vào có không? Trong bài thơ Xuân vẫn tha hương (1943) của Nguyễn Bính, thi sĩ cũng nhắc lại điển tích Nguyễn Tịch: Cửa quan chửa mở đầu Viên bạc/ Tri kỷ không ai mắt Tịch cuồng. Thành ngữ của người Việt cũng có nhiều câu bộc lộ thái độ cảm xúc của con người qua đôi mắt. Kẻ tỏ ý khinh thường, cao ngạo có thể diễn tả qua câu: Nhìn đời bằng nửa con mắt hoặc qua một thành ngữ Hán Việt mang nghĩa gần tương đương: Hạ mục vô nhân. Ngược lại, khi muốn diễn tả một cảm xúc tích cực dành cho người khác giới, thường nhằm mục đích tán tỉnh yêu đương, người Việt lại có câu Liếc mắt đưa tình.

Trong thơ Việt thời kỳ trung đại, nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã từng thể hiện cốt cách khí phách của mình trong một lần miêu tả ánh mắt, qua một động từ rất đặc biệt – ghé: Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo/Kìa đền thái thú đứng cheo leo/Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu (Đề đền Sầm Nghi Đống). Sang thời hiện đại, thần thái của lãnh tụ - chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được Tố Hữu khắc họa qua đôi mắt, một đôi mắt nhân từ và hiền hậu, khiến nhà thơ khi được ở bên cạnh Người thấy lòng thật ấm áp, yên bình: Bác Hồ đó làm lòng ta yên tĩnh/Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao/Giọng của người không phải sấm trên cao/Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước (Sáng tháng Năm).

Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX mất gần một phần ba cho những cuộc chiến chống ngoại xâm, vì thế mà không thể thiếu những đôi mắt hiện lên trong chiến tranh. Có những đôi mắt buồn của lúc chia ly loạn lạc trong thơ Quang Dũng: Đôi mắt người Sơn Tây/U uẩn chiều lưu lạc/Buồn viễn xứ khôn khuây/Cho nhẹ lòng nhớ thương (Đôi mắt người Sơn Tây). Lại có những đôi mắt của những người lính kiên cường bất khuất, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và đề cao cảnh giác trước quân thù: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới (Tây Tiến – Quang Dũng). Thần thái của động từ “trừng” trong câu thơ Quang Dũng khiến ta nhớ về chữ “quắc” trong bài thơ nổi tiếng của Thế Lữ, là lời của con hổ ở vườn bách thú: Trong hang tối mắt thần khi đã quắc/Là khiến cho mọi vật đều im hơi (Nhớ rừng).

Khi cuộc chiến đã qua đi, trở về với thời bình, ta lại bắt gặp những đôi mắt với bao nỗi niềm tâm sự của từng số phận con người. Có những cặp mắt đang đắm say tận hưởng tình yêu hạnh phúc lứa đôi: Chúng mình nhắm mắt đi em/Cho na mở mắt ra xem chúng mình (Mắt na – Nguyễn Duy). Nhưng cũng có những đôi mắt cô đơn, sâu thẳm và nặng trĩu nỗi buồn. Trong thi phẩm lục bát nổi danh mang tên Mắt buồn, hai câu kết đã đẩy tư tưởng bài thơ lên một tầm triết học, đó là vấn đề bản thể và sự lưỡng phân bản thế, nhất nguyên luận và nhị nguyên luận, nhưng sau hết là một tấm lòng luôn tha thiết và còn nặng những món nợ ân tình với trần gian, với tha nhân: Bây giờ riêng đối diện tôi/Còn hai con mắt khóc người một con. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phát triển tinh thần câu thơ Bùi Giáng thành toàn bộ lời ca của ca khúc Con mắt còn lại: Còn hai con mắt khóc người một con/Còn hai con mắt một con khóc người/Con mắt còn lại nhìn một thành hai/Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ/Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi/Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ/Con mắt còn lại nhìn mây trắng bay/Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi...

Luận về mắt không thể bỏ qua những câu chuyện về đau mắt và tự hủy đôi mắt của mình. Đau mắt đối với người Việt là một cảm giác khó chịu nhất trong tất cả các loại đau, vì thế mà có câu thành ngữ thứ nhất đau mắt thứ nhì đau răng. Thần thông biến hóa và có mắt lửa ngươi vàng như Tôn Đại Thánh mà bỗng một ngày không còn nhìn thấy ánh sáng thì cũng như người vô dụng. Đó chính là câu chuyện ở hồi thứ 21 trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không bị Tam muội thần phong của yêu quái chuột lông vàng làm cho mù mắt, sau phải nhờ đến Linh Cát Bồ Tát mới thu phục được yêu quái. Đôi mắt quý giá là vậy, thế mà có những lúc người ta sẵn sàng tự hủy không thương tiếc. Nhạc sư nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến quốc là Sư Khoáng tương truyền đã chọc mù mắt mình để đạt đến mức thượng thừa trong cảm nhận âm thanh bằng thính giác. Nhân vật Nhân sư trong tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu cũng tự xông mù đôi mắt của mình vì không muốn phải làm quan Ngự y cho kẻ thù là vua Liêu. Còn trong văn học người phương Tây, Oedipus đã lấy trâm cài đầu của hoàng hậu chọc mù mắt mình rồi bỏ đi lang thang, sống trong sự đau khổ cho tới chết bởi không thể thay đổi được sự sắp đặt của số phận, đã đẩy chàng vào bi kịch giết cha cưới mẹ.

3. Xin được khép lại bài viết bằng thi phẩm mang tên Tám mắt của Trần Trọng Dương, một cây bút thuộc thế hệ 8X. Bài thơ có cái tứ thơ độc đáo ở chỗ chàng và nàng yêu nhau và cùng đeo kính cận. Mối tình thời sinh viên bồng bột mà trong trẻo, say đắm rồi mong manh dù trở thành kỷ niệm nhưng nó sẽ còn sống mãi trong lòng người: “Vỡ bốn mắt để còn nguyên bốn mắt/Trong veo veo như thể muốn hết mình/Em khẽ nhắm ta ngỡ mùa đang chớp/Nên phập phồng đến hôi hổi bình minh/Em ngượng ngịu như mùa về trút lá/Hà Nội đêm loa lóa tiếng tàu/Hai đứa trẻ sắp thành người lớn cả/Kính vỡ rồi bốn mắt là của nhau/Em heo hút tóc dài mê mệt gió/Một lần đi vướng víu cả kinh thành/Nhan nhản cầm đồ Hà Nội phố/Không tiền chuộc kính nhớ loanh quanh/Xà cừ xuân đường Láng vẫn xanh/Giờ lá rụng ngàn trăng rơi xuống phố/Vỡ hết cả chẳng còn nguyên nỗi nhớ/Trong veo veo nước mắt thuở ban đầu...”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luận về đôi mắt