Luận về những cánh bướm

LĨNH TUNG MA - HỖN THIÊN SA 29/12/2015 18:11

Vẻ đẹp của con người có thể nói là kiệt tác của Tạo hóa, là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca nghệ thuật của nhân loại từ bao đời. Nhưng bên cạnh vẻ đẹp của con người cũng còn vô vàn những vẻ đẹp khác của thế giới tự nhiên, từ hùng vĩ lớn lao tới tế vi nhỏ bé. Và như lời của một triết gia đã nói, Thượng đế dù sáng tạo ra vật lớn hay vật nhỏ đều dùng toàn lực. Nếu như sư tử có vẻ đẹp dũng mạnh dữ dội thì những loài côn trùng lại có vẻ đẹp của sự nhỏ bé mong manh. Một trong những vẻ đẹp của sự bé

1. Theo khoa học, bướm được xếp vào loài côn trùng thuộc bộ Cánh vẩy (Lepidoptera), bao gồm hai nhóm lớn là bướm ngày và bướm đêm (ngài). Nếu như bướm ngày chỉ có từ 15.000 đến 20.000 loại thì bướm đêm có số lượng phong phú gấp tới 10 lần bướm ngày. Tuy nhiên, khi đi vào thi ca của người Việt, chúng tôi nhận thấy chỉ có bốn định danh cơ bản: bướm, bươm bướm (nói chung), bướm trắng và bướm vàng. Trong đời sống thường ngày của người Việt, dân gian còn có thêm định danh bướm ma để chỉ những con bướm có màu đen. Theo văn hóa tâm linh của người Việt, cánh bướm thường được coi là hiện thân của linh hồn những người đã khuất, trong những khoảnh khắc nào đó bất chợt trở về trần gian bên cạnh những người thân của mình. Nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng tin rằng cánh bướm là hiện thân của những linh hồn. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, con bướm đối với người Meehico là hiện thân linh hồn của các tử sĩ, đối với người Azteque, con bướm cũng tượng trưng cho linh hồn và mỗi khi xuất hiện một con bướm bay lượn bên hoa nghĩa là một chiến sĩ đã ngã xuống nơi chiến trường. Người Hy Lạp – La Mã cổ đại cũng tin rằng linh hồn khi rời khỏi cơ thể người chết sẽ mang hình một con bướm. Đối với người Nhật Bản, con bướm ngoài ý nghĩa là những vong linh phiêu lãng tới thăm, còn được coi là biểu trưng cho hình ảnh người phụ nữ duyên dáng và nhẹ nhàng. Nhưng hai con bướm lại là hình ảnh của hạnh phúc vợ chồng. Ở điểm này, ta thấy sự gặp gỡ tương đồng trong văn hóa Trung Hoa khi coi đôi bướm cũng là đôi lứa. Tuy nhiên, hình ảnh đôi bướm trong thi ca của người Tàu thường gắn với những chuyện tình mong manh, thường là khó đến được với nhau khi còn sống. Trong câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, khi Chúc Anh Đài rời kiệu hoa của Mã Anh Tài để ra trước mộ phần của Lương Sơn Bá cúng tế, cửa mộ bỗng nhiên mở ra đón Chúc Anh Đài đi vào bên trong. Sau đó từ trong mộ, một đôi bướm rất đẹp quấn quýt nhau cùng bay đi. Trong bộ phim nổi tiếng Bao Thanh Thiên được công chiếu nhiều lần tại Việt Nam, nhiều khán giả hẳn chưa quên ca khúc nổi tiếng Uyên ương hồ điệp mộng (Giấc mơ đôi bướm) với những ca từ về đôi bướm, biểu hiện rõ sự trái ngang và xa xót trước mối duyên tình: Giống như đôi uyên ương bươm bướm trong những năm tháng khó khăn này. Ai có thể thoát được mối sầu nhân thế. Trong thế giới phù hoa đó, đôi uyên ương bươm bướm sống trên đời đã là chuyện điên rồ. Đã yêu nhau sao còn muốn lên tận trời xanh? Chi bằng hãy cùng ngủ yên trong sự dịu êm”.

Văn học Trung Quốc những thập niên đầu của thế kỷ XX còn xuất hiện cả một văn phái lấy tên là Uyên Hồ mà Từ Chẩm Á là người đứng đầu. Một trong những bút danh của ông là Thanh Lăng Nhất Điệp, nghĩa là cũng gắn với cánh bướm. Nhiều văn nghệ sĩ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX cũng chọn cho mình bút danh có chữ Điệp (bướm), trong đó điển hình nhất phải kể đến Nguyễn Bính từng lấy hiệu Điệp Lang và Đinh Hùng viết tiểu thuyết lấy bút danh là Hoài Điệp Thứ Lang. Trong văn học phương Tây, nhân vật chính trong tác phẩm trứ danh của Henri Charrière cũng tự lấy hiệu là Bướm (Papillon) và nhan đề tác phẩm như chúng ta đều biết có tên gọi Papillon – người tù khổ sai.

2. Trong thi ca người Việt, cánh bướm hiện lên trước tiên như một vẻ đẹp của cuộc sống. Bùi Giáng từng thốt lên: Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi/Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn/Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn (Phụng hiến). Nhiều nhà thơ trong thời kỳ Thơ Mới cũng ngợi ca cánh bướm trong thơ: Mải vui tìm cành hoa trên cánh bướm/Ai đưa ta lạc đến nước non này (Duyên kỳ ngộ - Hàn Mặc Tử), Của ong bướm này đây tuần tháng mật(...) Ta muốn say cánh bướm với tình yêu (Vội vàng – Xuân Diệu). Cánh bướm có khi nằm trong một liên tưởng so sánh: Nắng đùa mái tóc/Chồi biếc trên cây/Lá vàng bay bay/Như ngàn cánh bướm (Chồi biếc – Xuân Quỳnh). Vẻ đẹp của cánh bướm đi vào cả những lời dân ca quan họ Bắc Ninh: Bướm lượn là bướm ới a nó bay/Bướm dạo là bướm ới a nó bay (Hoa thơm bướm lượn).

Cánh bướm đi vào thi ca trong nhiều trường hợp còn gắn với những kỷ niệm tuổi thơ. “Hái hoa bắt bướm” được coi như một thành ngữ để chỉ một tuổi thơ vô tư trong sáng, thỏa sức chơi đùa. Trong bài thơ nổi tiếng Quê hương của Giang Nam, cánh bướm xuất hiện cả ở phần đầu và phần kết của tác phẩm: Những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao (...) Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm. Trong bài hát Chuyến đò quê hương, nhạc sĩ Vy Nhật Tảo cũng hồi tưởng lại những cánh bướm của một thời hoa niên: Anh còn nhớ mái đình xưa/Ngôi đình xưa ê a giọng hát/Đuổi ve bắt bướm những trưa hè.

Trong bộ Nam hoa kinh của Trang Tử, câu chuyện Trang Chu hóa bướm trở thành một điển tích văn học nổi tiếng, hàm chỉ một tinh thần triết học cực cao về Tiêu dao du và Tề vật luận: “Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn,mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu nữa”. Về sau, Nguyễn Du cũng nhắc lại tích này trong đoạn tả tiếng đàn của Thúy Kiều: Khúc đâu đầm ấm dương hòa/Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.

3. Trong thi ca hiện đại Việt Nam, người đưa bướm vào thơ một cách dày đặc và cấp cho bướm nhiều giá trị biểu tượng mới mẻ chính là Nguyễn Bính. Trong toàn bộ 270 bài sáng tác trước 1945, có tất cả 75 lần tín hiệu “bướm” xuất hiện. Nghĩa là cứ đọc trung bình 3,6 bài thơ của thi sĩ chân quê, ta lại bắp gặp một cánh bướm. Nhà thơ dùng 3 cách khác nhau để gọi tên cho “bướm” là: bướm, bươm bướm, điệp. Về định danh theo màu sắc có hai loại bướm cơ bản là bướm vàng (10 lần xuất hiện) và bướm trắng (cũng 10 lần xuất hiện).

Về định danh theo tính chất, có các loại bướm như: bướm xưa, bướm yêu, bướm lười, bướm xuân xanh, bướm già, bướm láng giềng, bướm giang hồ, bướm tiên, bướm non, bướm dại.Tiếp theo là những lần “bướm” xuất hiện sau động từ với tư cách là đối thể chịu tác động hoặc cùng hoạt động, bao gồm: nuôi bướm, bắt bướm, nhập vào bướm, yêu dấu bướm, rước bướm, đón rước bướm, rắc bướm lên hoa, vườn trần theo bướm, thấy bướm, mơ đuổi bướm, chim nhắc bướm, bùa mê bướm. Bướm cũng một lần xuất hiện sau động từ tồn tại: Có hai chị bướm đi chơi chợ (Bướm đi chợ). Trong những kết hợp danh từ + bướm, chúng tôi thấy có sự góp mặt của giấc bướm, lời bướm và nước bướm, xứ bướm: Giấc bướm ngại sang đò bến lạnh (Mùa đông nhớ cố nhân), Gió chuyền lời bướm xuống nhân gian (Bao nhiêu đau khổ của trần gian, trời đã dành riêng để tặng nàng), Em ạ ngày xưa vua nước bướm/Kén nhân tài mở điệp lang khoa (Truyện cổ tích), Bao nhiêu xứ bướm qua lầu/Nàng toan gieo quả kim cầu cho ai? (Lạy giời cấm cửa rừng mai)

Cuối cùng là những trường hợp bướm xuất hiện với tư cách của chủ thể hành động. Cánh bướm ở đây thêm một lần nữa được hiện lên với các sắc màu vô cùng sinh động, thể hiện sự nhân cách hoá cao độ của nhà thơ trong việc tri nhận bướm với những hành động và cảm xúc của con người: lũ bướm tưởng hoa, bướm lại sang, bướm khép cánh, bướm hãy vào đây, bướm quả quyết yêu hoa, bướm vẽ vòng, bướm hẹn về, bướm nói điêu, bướm lại ong qua, bướm cánh nghiêng nghiêng, bướm vờn hoa, bướm rũ trăm năm, bướm tha phương, bướm cưới hoa hồng, bướm có bằng lòng, bướm dậy thì, bướm đi tu, bướm chê hoa vàng, bướm chẳng chung tình, bướm dạy nàng thêu, bướm lại đưa tin, bướm ra công vẽ bùa, bướm ủ hoa…

Một trong những độc đáo của Nguyễn Bính là dùng bướm để biểu thị cho người đàn ông mà trước hết là cho chính mình: Bao giờ bến mới gặp đò/Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau(Tương tư), Thuở trước loài hoa chửa biết cười/Vô tình con bướm trắng sang chơi/“Khác nào tôi đã sang chơi đấy”/Rước bướm dừng chân. Hoa hé môi.(Hương cố nhân), Ai đem rắc bướm lên hoa/Rắc bèo xuống giếng rắc ta vào nàng(Rắc bướm lên hoa). Nhìn chung, cánh bướm trong thơ Nguyễn Bính luôn được đặt trong mối quan hệ với tình yêu, trở thành biểu tượng của tình yêu và thể hiện một nhân sinh quan về tình yêu. Trong hầu hết các lần xuất hiện, cánh bướm trong các thi phẩm của Nguyễn Bính đều mang tính bi kịch. Nếu không phải là những thân phận tàn tạ (Bướm tiên khi đã lọt vào vườn hoang, Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng) thì cũng là những tình yêu dở dang, thiếu vắng, không trọn vẹn. Trong một hồi tưởng về tình yêu thuở học trò, ta có một chuyện bướm xưa(bài Trường huyện), trong nỗi nhớ quắt quay, ta có hành động nuôi bướm làm con để nhớ người(bài Nuôi bướm), trong giấc mơ về một tình yêu, thi nhân mơ thấy hai con bướm, khép cánh tình chung ở giữa trời, trong bi kịch của một chuyện tình, nhà thơ lại nguyện cầu: Hồn trinh còn ở trần gian/Nhập vào bướm trắng mà sang bên này. Ngay chính bản thân mình, Nguyễn Bính cũng tự cho là một cánh bướm giang hồ (bài Tương tư). Và những cánh bướm cũng là sự gian dối (bướm nói điêu), sự đổi thay (Vườn trần theo bướm phấn hương bay). Tóm lại, trong thơ Nguyễn Bính, cánh bướm đồng nghĩa với sự mong manh, không vĩnh viễn.

Trong âm nhạc ca khúc Việt Nam, cánh bướm xuất hiện trong những ca khúc nổi tiếng của Trần Tiến và Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Nếu như ở bài Sao em nỡ vội lấy chồng, cánh bướm gắn với sự tiếc nuối của một thời thiếu nữ (Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi, lấy chồng sớm làm gì) thì ở Gửi gió cho mây ngàn bay, ta bắt gặp trở lại sự song hành tuyệt đẹp của hoa – bướm trong một ngợi ca về sự quyến rũ của mùa thu: Gửi gió cho mây ngàn bay/Gửi bướm đa tình về hoa/Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luận về những cánh bướm