Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới về mở rộng đối tượng tham gia cũng như đối tượng hưởng theo hướng mở rộng an sinh xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi ông Nguyễn Duy Cường, Vụ Phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, xin ông cho biết những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2024?
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024/QH15 gồm 11 chương, 141 điều, tăng 2 chương và 16 điều so với Luật BHXH hiện hành. Mục tiêu đặt ra khi xây dựng luật là: Bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Theo đó, Luật BHXH sửa đổi có những điểm mới trọng tâm:Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật BHXH năm 2024 là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi). Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản. Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu, mà có yêu cầu, thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, thì được ngân sách Nhà nước đóng BHYT; Mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Người lao động làm việc không trọn thời gian; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…
Luật BHXH 2024 quy định, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu (15 năm) và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (70-75 tuổi), nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng của mình. Xin ông nói rõ hơn về quy định này?
Theo quy định thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động. Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội (quy định hiện này là 500.000 đồng).
Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội tại thời điểm giải quyết hưởng thì người lao động được tính để hưởng trợ cấp hàng tháng với mức cao hơn.
Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH không đủ để người lao động hưởng trợ cấp hàng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu người lao động có nguyện vọng thì được đóng một lần cho phần còn thiếu để hưởng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi).
Mức trợ cấp hằng tháng sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Bộ LĐTB&XH và các bên liên quan đang xây dựng cụ thể công thức tính về hưởng trợ cấp tháng.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, người lao động được ngân sách Nhà nước đóng BHYT. Khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện theo quy định.
Về các hướng dẫn cụ thể cho quy định trên, tới đây Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định cụ thể về mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội để triển khai thực hiện từ ngày 1/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành.
Tại các buổi đối thoại trước đó của công đoàn có kiến nghị: Bộ Luật lao động đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tiệm cận nhau, nam 62 và nữ 60. Vậy tại sao khi sửa luật BHXH không thay đổi cách tính để giảm tỉ lệ chênh lệch lương hưu của nam và nữ tương ứng với độ tuổi nghỉ hưu?
Việc không điều chỉnh này do tính đến việc cân đối Quỹ BHXH. Bên cạnh đó, Luật mới kế thừa từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014, không thay đổi công thức tính lương hưu.
Ban soạn thảo chỉ bổ sung cách tính tỉ lệ lương hưu với lao động nam đóng từ 15 năm đến dưới 20 năm, vì Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành không có quy định với nhóm này. Đồng thời để đảm bảo việc sửa Luật BHXH đóng 15 năm được lĩnh lương hưu.
Tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội của các nước trên thế giới chỉ khoảng 1,7%; Trung Quốc, Hàn Quốc khoảng 1%. Riêng Việt Nam, tỷ lệ này theo luật hiện hành là 2,14% với nam và 2,5% với nữ.
Căn cứ theo tỷ lệ này, mức hưởng của lao động nam ban đầu được đề xuất 2,25% mỗi năm, đóng đủ 15 năm hưởng 33,75%. Như vậy sẽ rất thiệt thòi. Sau khi tiếp thu góp ý của đại biểu Quốc hội, đánh giá kỹ tác động lẫn khả năng cân đối của Quỹ Hưu trí tử tuất, mức hưởng lương hưu được điều chỉnh lên 40%, tăng 6,25% so với đề xuất trước đó.
Vậy khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn có được ban hành kịp thời không, thưa ông?
Về các hướng dẫn cụ thể cho quy định trên, tới đây Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định cụ thể về mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội để triển khai thực hiện từ ngày 1/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành.
Về việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội mới khi có hiệu lực, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 27/7, để quy định chi tiết Luật này, Chính phủ sẽ ban hành 11 Nghị định.
Trong đó, Bộ LĐTB&XH sẽ chủ trì xây dựng 7 Nghị định, Bộ Tài chính 3 Nghị định và Bộ Quốc phòng 1 Nghị định. Cùng với đó, các Bộ, ngành sẽ ban hành 3 thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện luật.
Cụ thể, Bộ LĐTB&XH sẽ ban hành 2 thông tư, và Bộ Y tế ban hành 1 thông tư. Các Nghị định, thông tư hướng dẫn được Thủ tướng giao các đơn vị xây dựng đều yêu cầu đảm bảo được ban hành và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tức ngày 1/7/2025.