Ra đời trong thời gian dài - 12 năm, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Luật Cạnh tranh vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí luật này đang được đánh giá là chỉ mang tính chất trang trí và hình thức.
Tự quyết giá sản phẩm
Ngày 12/5, tại TP HCM, Bộ Công thương phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến về Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tại đây các chuyên gia khẳng định, thời gian qua luật này chưa thật hiệu quả như mong muốn đề ra. Luật Cạnh tranh ra đời chủ yếu bảo vệ DN vừa và nhỏ, bảo về quyền lợi của người tiêu dùng. Song thực tế chứng minh, thị trường kinh doanh vẫn đang hoạt động không theo luật định, còn tồn tại tình trạng DN tự làm giá trên thị trường rồi o ép các DN khác, móc túi người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng- Phó trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn chứng hiệu quả của Luật Cạnh tranh, giá sữa Việt Nam lúc nào cũng cao hơn sữa các nước, và đặc biệt sữa Việt chỉ tăng chứ không giảm. Tháng 5-2015 sản phẩm chế biến sữa bột của các nước giảm 30 – 35%, giá sữa trong nước vẫn “bình chân như vại”, trong khi đó 80% nguyên liệu sản xuất sữa của Việt Nam phải nhập khẩu từ các nước.
Giá cước vận tải cũng được đánh giá là không thật sự theo cơ chế thị trường. Có giai đoạn giá xăng dầu giảm 39%, cước vận tải giảm 3%. Rồi thời điểm giá xăng dầu giảm 17%, giá taxi vẫn cố thủ ở mức cao.
Minh chứng cho sự thiếu minh bạch trên thị trường ông Hồ Xuân Thắng- đại diện ĐH Sài Gòn cho hay, đến các siêu thị cũng không rõ ràng trong khâu tính toán. Bảng niêm yết là 15.000 đồng trên 1 kg sản phẩm nhưng khi tính tiền thì tính thành 18.000 đồng. Người tiêu dùng nào phát hiện, siêu thị xin lỗi vì sai xót rồi tính lại. Người nào không biết thì siêu thị móc túi. “Về trường hợp của vé máy bay, vừa gọi tức thì báo giá 1,1 triệu đồng, một tiếng sau gọi lại báo 1,3 triệu đồng. Một sự chênh lệch kinh khủng. Luật Cạnh tranh bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích của dn cũng như người tiêu dùng. Thế nhưng thực tế không đạt hiệu quả như vậy.
Có cũng như không?
Liên quan đến giá trong cạnh tranh trên thị trường, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng thắc mắc, liệu có hành vi thỏa thuận trong cạnh tranh hay không, vai trò của nhà nước trong việc quản lý như thế nào? Ông Phạm Duy Nghĩa- trọng tài viên VIAC nhìn nhận, Luật Cạnh tranh tồn tại 3 điểm dở. Thứ nhất là chưa hoàn thiện, thứ hai là luật này chồng chéo với luật khác, thứ ba là cơ quan quản lý cạnh tranh nhiễu.
“Đừng quá kỳ vọng vào Luật Cạnh tranh. Nếu Luật Cạnh tranh chi là luật trang trí thì luật này vẫn đẹp và không cần phải chỉnh sửa”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Ông Lê Trọng Thêm- Công ty TNHH Phước và các cộng sự nhận định, 12 năm ra đời Luật Cạnh tranh không được áp dụng, thậm chí nhiều DN không biết để thực hiện. Ngoài ra, DN là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh nhưng rất ít DN quan tâm và vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh 2004 để bảo vệ quyền lợi của mình. Sở dĩ có thực trạng này, phần vì tiếng nói, sức mạnh của các DN nhỏ không đủ sức để theo đuổi các vụ cạnh tranh. Một mặt khác, DN không thấy rõ được quyền và nghĩa vụ của mình ở Luật Cạnh tranh. Thực tế, cả Luật Cạnh tranh 2004 và Dự thảo lần này không có điều khoản nào quy định về quyền và nghĩa vụ của DN nói chung, nhất là DN vừa và nhỏ.
Dựa trên hiệu quả, VCCI khẳng định, Luật Cạnh tranh 2004 chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được vai trò và sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, làm động lực cho phát triển kinh tế. Một số quy định của Luật không còn phù hợp với xu thế phát triển của thị trường.
Thực tế, số vụ việc cạnh tranh được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều dạng hành có tác động tiêu cực tới thị trường. Rất nhiều DN vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng lại không áp dụng xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh mà lại áp dụng hình thức xử lý hành chính. Các chuyên gia mong muốn, cơ quan chức năng sớm áp dụng Luật Cạnh tranh để môi trường kinh doanh thật sự công bằng và minh bạch.