Luật chưa nghiêm, lỗi thuộc về kẻ yếu thế?

Duy Phương 20/07/2015 09:10

Nộp thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, có một thực tế, ngay cả khi DN đã thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền hạn của mình vẫn bị cơ quan quản lý cho là sai, buộc DN truy thu thuế. Vậy đâu là nguồn cơn của nghịch lý này?

Luật chưa nghiêm, lỗi thuộc về kẻ yếu thế?

Doanh nghiệp vẫn khó khăn khi xử lý vấn đề thuế.

Với vụ Sabeco mới đây, không ít ý kiến cho rằng đó là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về những tồn tại, bất cập trong hệ thống pháp luật, chính sách hiện nay. “Hệ thống chính sách pháp luật của ta đang có nhiều lỗ hổng và Sabeco chỉ là một trong những nạn nhân của những lỗ hổng chính sách này.. Đối với vụ Sabeco, tại cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước mới đây, bản thân lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng thừa nhận, có lỗ hổng pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, lỗ hổng đó do đâu? Chẳng lẽ do DN tạo nên? Khi chính sách có kẽ hở, có lỗ hổng, lỗi trước tiên thuộc về người làm chính sách. Không thể do lỗ hổng của chính sách mà lại đổ hết tội lên đầu DN.

Nói về những bất cập trong hệ thống chính sách hiện nay, TS Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi: Luật nếu có kẽ hở, thì cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm hàn gắn kẽ hở đó lại, hoàn thiện pháp luật chính là trách nhiệm của nhà quản lý. Tại sao lại đổ lên đầu DN, lên đầu dân? Liệu sau này, cứ mỗi lần phát hiện thêm kẽ hở, lại bắt DN, bắt người dân gánh chịu hay sao? Theo ông Cung, nếu vẫn quản lý, điều hành theo cách đó, chính chúng ta sẽ đặt môi trường kinh doanh của chúng ta vào những rủi ro. Bởi, các DN sẽ không còn yên tâm khi chính sự can thiệp của nhà nước lại tạo ra những tổn hại cho DN. “Mỗi một sự thay đổi không đúng của chính sách có thể khiến DN sạt nghiệp”- TS Cung nhận định.

Tuy nhiên, không chỉ riêng ở Việt Nam, hệ thống pháp luật nhiều nước trên thế giới đều tồn tại những kẽ hở. Rất có thể DN dựa vào những kẽ hở đó để tạo ra những cơ hội sinh lời cho mình. Theo TS Cung, luật nếu có kẽ hở, nhà quản lý phải chịu trách nhiệm chứ không được đẩy rủi ro từ kẽ hở đó sang DN, người dân. “Họ là những người yếu thế hơn trong thực thi chính sách”- ông Cung nói.

Ở một khía cạnh khác, Tổng cục Thuế vừa công bố một danh sách dài dằng dặc tới 600 DN nợ đọng thuế, trong đó có những tên tuổi tầm cỡ mà khi nêu tên ra, dư luận đã rất bất ngờ như Công ty CP Sông Đà - Thăng Long, Cavico… Rõ ràng đây là những DN nhìn bề ngoài rất phát đạt, vì quy mô hoạt động lớn, song vẫn đứng đầu danh sách nợ đọng thuế tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Trong số này, không ít DN thuộc ngành bất động sản, mặc dù có những dự án vẫn còn nợ tiền sử dụng đất, vẫn được tiếp tục khởi công xây dựng thêm các dự án mới (?).

Về lý, DN nếu khó khăn có thể nợ thuế, nhưng nếu DN doanh thu cao, lợi nhuận lớn, mở rộng quy mô sản xuất mà vẫn nợ thì đây là điều không thể chấp nhận được. Đã vậy, nhiều DN còn nợ kéo dài năm này qua năm khác. Vấn đề ở đây cần phải được đặt ra đối với những người “cầm cân nảy mực” rằng, tại sao lại để DN nợ thuế nhiều và kéo dài đến vậy? Nhiều ý kiến cho rằng, việc để thực trạng nợ đọng thuế trở thành “khối u” của nền kinh tế, cứ ngày một lớn dần, lỗi trước hết thuộc về DN. Song, tại sao DN lại có thể chây ỳ không nộp thuế, lỗi này chắc chắn thuộc về nhà quản lý. Mà theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Ban 157 chống buôn lậu và gian lận Thương mại TP Hà Nội, để DN cố tình chây ỳ nợ đọng thuế kéo dài, phía cơ quan thuế phải nhìn lại mình, xem mình đã nghiêm túc chưa, đã quyết liệt hay chưa?

Từ câu chuyện các DN nợ đọng thuế hiện nay, có một điểm chung dễ nhận thấy dường như, nhà quản lý vẫn luôn đẩy quả bóng trách nhiệm cho người yếu thế hơn, mà chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật chưa nghiêm, lỗi thuộc về kẻ yếu thế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO