"Từ năm 2009 đến nay giá cả có rất nhiều biến động, thế nhưng giá đất được đền bù sau thu hồi thì vẫn không hề thay đổi. Đất bị thu hồi, tức là người dân sẽ vĩnh viễn bị mất đất sản xuất, thế nhưng chỉ được nhận mức bồi thường 40 ngàn đồng 1m2. Với mức đền bù này chỉ đủ mua bát phở sáng, làm sao dám nghĩ tới điều khác”.
Nhiều khu đất "vàng” bị bỏ hoang Đó là chia sẻ của ông Lại Đức Thành (Hà Nam), tại buổi tọa đàm Đóng góp ý kiến tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013 do Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững tổ chức vào ngày 8-6. Tọa đàm có sự tham dự của các nhà khoa học, các đại diện đến từ tỉnh Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ... Còn nhiều bất cập Luật Đất đai sửa đổi được QH thông qua ngày 29-11-2013, có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Theo đánh giá của các chuyên gia, cũng như phản hồi từ các địa phương, Luật đã giải quyết được nhiều điểm vướng mắc, hạn chế của Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, qua gần 1 năm thực hiện, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông Bùi Khắc Vư, Giám đốc Trung tâm Asiaplant, ngay từ khi có hiệu lực thi hành, đạo luật này đã phát huy tác dụng tốt, giải quyết được nhiều điểm vướng mắc hạn chế của Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, có 20 điểm bất cập trong các văn bản tại 4 nhóm nội dung, đơn cử như: vướng mắc trong quy hoạch phát triển kinh tế vùng, thời gian xác định giá kéo dài do nhiều khâu ảnh hưởng đến đền bù, văn bản không thống nhất, chồng chéo về đền bù đất đai và chi phí đầu tư vào đất, giá đền bù khác nhau giữa Nhà nước thu hồi và dự án do các DN thu hồi, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, vướng mắc do chưa công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai, bất cập do khác nhau về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giữa các văn bản... Liên quan đến vấn đề giá đền bù khác nhau giữa Nhà nước thu hồi và dự án do các DN thu hồi, ông Lại Đức Thành, một nông dân đến từ tỉnh Hà Nam phản ánh: Là một tỉnh giáp ranh với Hà Nội song từ năm 2009 đến nay, giá đền bù đất ở Hà Nam vẫn không có sự thay đổi. Hà Nam là tỉnh có giá đền bù thấp nhất trong 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. "Từ năm 2009 đến nay giá đất nông nghiệp tại Hà Nam là 40.000 đồng/m2, ngoài ra người dân cũng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề, ổn định cuộc sống cứ 1m2 đất bị thu hồi người dân được đền bù khoảng 135.000 đồng. Như vậy, tính trên 1 sào đất, tổng số tiền đền bù vào khoảng 49 triệu đồng”-Ông Thành dẫn chứng. Cũng theo phản ánh của ông Thành, vẫn diện tích đất như thế, nhưng nếu doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân thì giá đền bù thường vào khoảng trên dưới 100 triệu đồng. "Tại sao mức giá đền bù thu hồi đất do DN tiến hành lại có sự chênh lệch lớn so với do Nhà nước thu hồi? Tôi cho rằng Nhà nước cần quan tâm đến lợi ích của người dân, giá đất đền bù cần sát với giá thị trường, phù hợp với các vùng miền”- ông Thành đề xuất. Đồng quan điểm, Luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam cũng cho rằng, bất cập lớn nhất của chính sách trong thu hồi đất là không đưa ra được căn cứ nào để định giá đất, nói cách khác là căn cứ để xác định giá không rõ ràng. Điều này dẫn tới quyền lợi của người dân không được đảm bảo và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới các xung đột liên quan tới việc đền bù khi thu hồi đất. Cần sửa đổi điều chỉnh cho phù hợp Ở góc độ khác, ông Lâm Bá Khánh Toàn - Khoa Luật, Đại học Cần Thơ cho biết, tại Cần Thơ, khi được hỏi, nhiều người dân cho biết họ rất ít được tiếp cận các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai, vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy việc công khai thông tin, trách nhiệm công bố thông tin thuộc chủ thể nào, cần được làm rõ để người dân, DN có điều kiện tìm hiểu. Từ sự phân tích của các đại biểu, nhất là những đại diện đến từ các địa phương cho thấy, nếu không kịp thời điều chỉnh, những bất cập này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm đối tượng như nông dân, DN, người dân tộc thiểu số, lao động trẻ, phụ nữ và chính sách pháp luật... Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Lê Đức Tiết cũng cho rằng, đất đai là nguồn sinh sống của con người và những bất cập trong thu hồi đất để lại nhiều hệ lụy trong xã hội, chính vì vậy cùng với việc điều chỉnh giá đền bù cho hợp lý thì đi cùng với nó là những chính sách để giúp người dân đảm bảo được cuộc sống. Trên thực tế những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Luật Đất đai đã được các địa phương phản ánh rất nhiều. Ngày 27-2-2015, Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ TN&MT đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu báo cáo tình hình thi hành Luật Đất đai và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013. Lan Hương |