Luật hóa biện pháp đối phó vấn nạn trẻ hóa tội phạm

Thành Luân 26/09/2015 10:45

Ngày 25/9, tại Đại học Luật TP HCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự theo Hiến pháp 2013 và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia luật, các thẩm phán và luật sư đến từ nhiều tỉnh/thành tại Việt Nam và các nước Mỹ, Australia, Canada, Thụy Điển.

Đại biểu trong nước và quốc tế tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Hồng Phúc.

Vấn nạn trẻ hóa tội phạm

Theo GS.TS.NGƯT Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM, hiện nay việc sửa đổi BLHS rất quan tâm đến trách nhiệm của pháp nhân. Về vấn đề này, cả Trung ương và các địa phương đã có một thời gian dài bàn bạc, góp ý và bây giờ tiếp tục được thảo luận sâu để có sửa đổi phù hợp.

Bên cạnh đó, trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên cũng đang đặt ra do các vụ việc phạm tội của nhóm đối tượng này đang ngày càng gia tăng, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội. GS. Mai Hồng Quỳ dẫn ra một nghiên cứu cho thấy, số lượng trẻ em từ 2 đến 10 tuổi tại Việt Nam hiện nay xem trung bình 10.000 giờ phim bạo lực mỗi năm. Thực tế, tội phạm giết người, tội phạm internet ở độ tuổi này hiện cũng đang tạo nên các trào lưu rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, tranh luận về vấn đề này, TS Phan Anh Tuấn, giảng viên ĐH Luật TP HCM cho biết, hiện nay xu hướng quốc tế trong việc áp dụng xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là một xu hướng mang tính nhân đạo của pháp luật và thường nghiêng về phương án chuyển hướng sang “biện pháp giáo dục bắt buộc” thay cho cách xử lý đang áp dụng là các biện pháp hình sự.

Trong đó, người chưa thành niên được hiểu là những người chưa đủ 18 tuổi, là những người phát triển chưa đầy đủ về thể chất, nhận thức và tâm – sinh lý, do đó là đối tượng cần được sự quan tâm, giáo dục, giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngay bản thân Dự thảo BLHS (sửa đổi) của nước ta hiện nay cũng phải đi theo xu hướng bảo vệ quyền của người chưa thành niên phạm tội đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “trẻ hóa” tội phạm trong những năm gần đây, đang có xu hướng ngày càng gia tăng? Về vấn đề này, các chuyên gia khuyến nghị vẫn nên cân nhắc việc can thiệp các biện pháp hình sự, mà nghiêng về các biện pháp giáo dục – cải tạo, bởi vì đối tượng người chưa thành niên đa số chưa đủ nhận thức về tâm sinh lý khi thực hiện hành vi phạm tội.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Lê Thị Sơn, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội phân tích, BLHS hiện hành quy định về người chưa thành niên phạm tội tại Chương X. Nhưng sự thể hiện các nguyên tắc của luật quốc tế trong các điều luật của chương này vẫn còn những hạn chế nhất định nên chưa tạo pháp lý đầy đủ để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.

Trong khi đó, quan điểm của bà Trần Ngọc Lan Trang, Giảng viên khoa Luật Hình sự (ĐH Luật TP HCM) ủng hộ việc cải cách hệ thống tư pháp hiện hành đối với người chưa thành niên theo hướng phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế ngày càng được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy xử lý chuyển hướng và tư pháp phục hồi.

Theo bà Trang, trên tinh thần đó thì Dự thảo BLHS (sửa đổi) cần sửa đổi tiệm cận hơn với luật quốc tế, mà nguyên tắc quan trọng nhất là bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, cũng như ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự trước khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nên cân nhắc án tử hình

Chia sẻ kinh nghiệm trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, GS Per Ole Traskman, Khoa Luật (ĐH Lund Thụy Điển) cho biết, điều 6 của Công ước có một quy tắc nói rằng tất cả mọi người đều có quyền được sống và điển hình là các nước Bắc Âu đã áp dụng rất thông dụng về việc bãi bỏ hình phạt tử hình, trong đó Phần Lan là nước sau cùng loại bỏ. Đối với điều 7 của Công ước quốc tế quy định về việc cấm hành vi tra tấn, các nước Bắc Âu cũng đi đầu thế giới về thực thi nhân đạo, phản đối mạnh mẽ đối với các hành vi tra tấn.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa quân sự, Phó Chánh TAND Tối cao cho biết, hiện nay BLHS của Việt Nam không có khái niệm tra tấn và cơ bản Việt Nam hoàn toàn thống nhất với khái niệm mở rộng về tra tấn của quốc tế. Tuy nhiên, BLHS hiện hành lại có nhiều quy định liên quan, như quy định đối với các tội bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp; “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”; “cố ý gây thương tích” hay là “hành hạ người khác”;…Theo PGS.TS Trần Văn Độ thì hầu hết trong các quy định này thì đều ở mức tăng nặng hình phạt và có tính răn đe cao.

Chia sẻ về tham luận của GS Per Ole Traskman, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM đánh giá cao việc thực hiện các cam kết của Công ước quốc tế trong việc bỏ hình phạt tử hình ở các nước Bắc Âu trong vòng 200 năm qua. Luật sư Hòa cũng bày tỏ quan tâm đến các biện pháp đặc biệt để xử lý đối tượng vị thành niên phạm tội khi bỏ đi hình phạt tử hình ở các nước này và cho rằng đây chính là mấu chốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.

Trao đổi với Luật sư Hòa về chủ đề này, GS Per Ole Traskman cho biết, biện pháp thay thế cho hình phạt tử hình ở các nước Bắc Âu là hình phạt chung thân được sử dụng rộng rãi, thậm chí như ở Na Uy thì đã bỏ cả án chung thân. Theo GS Traskman thì tội phạm vị thanh niên thường liên quan đến yếu tố tài sản hay gây phạm luật có chủ yếu và các hành vi mang tính bạo lực; tội phạm liên quan đến ma túy; liên quan đến việc sử dụng công nghệ, internet. Do đó, chúng ta cần phải có những hình phạt mang tính mạnh mẽ, khắt khe hơn, chẳng hạn như là “giám sát chăm sóc”; phạt tiền hoặc hình phạt tại cộng đồng; lao động – cải tạo;…

Tại Hội thảo, ông Daniel Nguyễn, Luật sư tranh tụng tại Melbourne (Australia), Tổng Thư ký Ủy ban Luật gia Quốc tế tại Victoria cũng chia sẻ kinh nghiệm về hình phạt tử hình ở Hoa Kỳ. Đối chiếu với các luật pháp hiện hành ở VN, ông Daniel Nguyễn cho rằng, thái độ của người dân về các quy định luật pháp cũng cần phải xem là một tiêu chí quan trọng. Bởi vì tại Mỹ khi đưa ra luật về tử hình thì người ta tiến hành khảo sát và khi đã có đến 60% người đồng ý áp dụng án tử hình và “chấp nhận được về mặt đạo đức”. Đây là căn cứ để các cơ quan làm luật của Mỹ tham khảo trong quá trình thực thi và sửa đổi luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật hóa biện pháp đối phó vấn nạn trẻ hóa tội phạm