Quốc hội

Luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng

Việt Thắng 13/05/2025 18:19

Chiều 13/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

nga13-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Về quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro”, vì bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng.

Bà Nga đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro và chấp nhận được. Ví dụ: sai số mô hình, thất bại thử nghiệm với sai phạm không thể miễn trừ như: gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém.

Bên cạnh đó theo bà Nga cần thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập. Thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.

Đáng chú ý, về tiêu chí xác định nhân tài trong khoa học và đổi mới sáng tạo, bà Nga nhận thấy dự thảo Luật còn thiếu bao quát trong thiết kế các tiêu chí xác định nhân tài. Các tiêu chí hiện tại như bằng sáng chế, giải thưởng, khởi nghiệp, phù hợp với khoa học tự nhiên và công nghệ, nhưng chưa phản ánh đặc thù của khoa học xã hội và nhân văn. Ngay cả tiêu chí có bài viết để công bố trên các tạp chí khoa học danh tiếng thế giới cũng chưa hoàn toàn phù hợp với nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn

Do đó theo bà Nga, Ban soạn thảo cần bổ sung tiêu chí đặc thù cho từng nhóm ngành, với khoa học xã hội và nhân văn có thể là có công trình nghiên cứu được áp dụng trong xây dựng chính sách, giáo dục hoặc có công trình nghiên cứu được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước. Bảo đảm công bằng, minh bạch và tôn vinh đúng những người có đóng góp học thuật và chính sách trong cả ba lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ, và khoa học xã hội – nhân văn.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cũng đề xuất, về quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần bổ sung cơ chế đánh giá và phương diện giám sát rủi ro, xác định danh giới rủi ro được chấp nhận, cũng như những hành vi cố tình vi phạm thủ tục được thực hiện trước khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Ví dụ một đề án được thực hiện sau khi Hội đồng khoa học đồng ý, chấp nhận xác định mức độ rủi ro và biện pháp phòng ngừa tương ứng với phân loại các rủi ro như là kỹ thuật, tài chính, đạo đức. Nếu như người đó đã tuân thủ hết những nội dung, phòng ngừa rủi ro mà rủi ro vẫn xảy ra thì rủi ro này được chấp nhận”, bà Dung nói.

thu13-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Theo ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), không phải đổi mới sáng tạo nào cũng bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học, đôi khi chỉ từ ý tưởng, thực tiễn hoặc sự kết hợp những cái đã có sẵn. Song dự thảo Luật cũng không thấy có các điều khoản riêng quy định tiêu chí đánh giá “đổi mới sáng tạo” như: có yếu tố “mới” ở cấp độ địa phương, quốc gia, quốc tế như thế nào, có tác động lượng hóa đến năng suất, doanh thu ra sao...

Do đó bà Thu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định tiêu chí đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo. Ví dụ tính mới về kỹ thuật, tổ chức, mô hình, hoặc lần đầu tiên triển khai thực hiện tại địa phương, quốc gia, quốc tế, và khả năng tạo giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế – xã hội, khả năng nhân rộng, thương mại hóa.

Bà Thu cũng cho rằng, các nội dung về cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo còn chung chung. “Thất bại tức là nghiên cứu cũng dùng hết tâm sức, dùng hết cơ sở vật chất, dùng hết tâm huyết, thậm chí tìm cả thầy, tìm cả người về nhưng nghiên cứu kết quả vẫn thất bại. Đấy là chấp nhận rủi ro, nhưng phải chấp nhận rủi ro đến đâu? chứ nếu biết hướng nghiên cứu đó có nguy cơ thất bại, “cố đấm ăn xôi”, cứ lao vào để làm bằng được mà kết quả vẫn không đạt.”, bà Thu dẫn giải.

Bà Thu cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học hợp lý và cần có quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro, đơn vị có thẩm quyền xác định ruỉ ro rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thi hành luật.

tran13-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho hay, dự thảo Luật về hướng dẫn triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo từng loại hình công nghệ và lĩnh vực. Đây là cơ chế cho phép thử mới có rủi ro thì kiểm soát, có sai thì sửa, không bị phạt ngay. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương, chúng ta đều nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại là nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được ứng dụng vào thực tiễn gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư cho khoa học.

“Lần đầu tiên quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong luật, cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung, áp dụng đa lĩnh vực, đặc biệt trong công nghệ mới như AI, ứng dụng y tế số, chuyển đổi số”, bà Trân nói.

Cho rằng đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình công nghệ mới ra đời và phát triển, nhưng để thực sự phát huy đúng ý nghĩa đề ra, bà Trân đề nghị cần luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất, tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ và trách nhiệm phối hợp liên ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng