Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến các cơ quan, bộ ngành. Vấn đề nhận được nhiều ý kiến chính là cần quản lý chặt taxi công nghệ.
Báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Đường bộ năm 2008 cho thấy, đối với việc áp dụng, phát triển công nghệ phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải (grab taxi), hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để điều tiết các vấn đề có liên quan như trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đối với nhà nước, đối với người tiêu dùng khi tham gia vào chuỗi cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt động vận tải. Hoặc các quy định đối với cá nhân sử dụng xe rỗng để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách trong quá trình tham gia giao thông cũng cần phải được quy định, điều chỉnh một cách cơ bản tại Luật. Do đó cần phải rà soát để bổ sung thêm các nội dung này để đảm bảo điều chỉnh kịp thời các yêu cầu của thực tiễn phát sinh.
Tại Điều 82 của Dự thảo Luật sửa đổi đang được lấy ý kiến đã quy định: “Nghiên cứu bổ sung các quy định về dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối vận tải để quản lý các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng trong vận tải đường bộ như Uber, Grab, sàn Giao dịch vận tải. Quy định quản lý hoạt động cho thuê phương tiện: trong đó lưu ý đối với cho thuê phương tiện vận chuyển trên 9 chỗ ngồi”. Theo ông Nguyễn Tuyển- Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT, cần đưa Grab vào lọai hình taxi và quản lý như taxi, bởi ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhưng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ.
Theo ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), theo luật hiện hành thì đường bộ có 5 loại phương tiện kinh doanh vận tải gồm: xe khách liên tỉnh, xe khách, xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch. Tuy nhiên thực tế, do sự phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện những loại hình phương tiện vận tải đường bộ mới mà Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa kịp điều chỉnh. Chẳng hạn, như xe buýt nhanh (BRT) đang được triển khai theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, loại hình này lại chưa được đưa vào luật để điều chỉnh. Hiện nay, BRT đang hoạt động theo nguyên tắc dừng phía bên trái, trả khách bên trái và đón khách bên tay trái thay vì phải dừng bên phải theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Vậy nếu xảy ra tai nạn thì luật điều chỉnh là luật nào vì Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa có điều khoản điều chỉnh nội dung này.
Ông Tuấn cũng cho rằng, xe điện, xe grab đã được cho thí điểm trong thời gian khá dài do đó đã đến lúc phải luật hóa để điều chỉnh cho kịp thời, toàn diện vấn đề này. Theo ông Tuấn có như vậy, mới đảm bảo tính pháp lý cho những loại hình mới hoạt động một cách chính thức thay vì chỉ thực hiện thí điểm như hiện nay. “Mấy vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng qua đánh giá ban đầu cũng có lỗi chủ quan của các lái xe ô tô. Vì vậy, Luật Giao thông đường bộ cũng phải sửa đổi để tăng cường công tác tuyên truyền cho người lái xe như thế nào để chấp hành đúng quy định của pháp luật giao thông”- ông Tuấn bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc bổ sung điều chỉnh đối với taxi công nghệ là hoàn toàn đúng, vì chúng ta không thể đứng ngoài nền kinh tế chung của thế giới được. Nhưng khi sửa luật phải đảm bảo được các mục tiêu. Thứ nhất, không đứng ngoài vòng phát triển của thế giới, thứ hai quan trọng là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người lao động, của nhân dân, thứ ba là phù hợp với thị trường.