Quốc hội (QH) vừa thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi theo đó, việc phân bổ ngân sách tới đây sẽ không cào bằng như trước đây mà sẽ theo những tiêu chí cụ thể để phân bổ ngân sách một cách công bằng, công khai, minh bạch. PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.
PGS.TS.Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH.
PV: Tới đây, sẽ có một hệ thống các tiêu chí cụ thể giúp phân bổ ngân sách đúng, đủ. Vậy để xây dựng được hệ tiêu chí cho việc xác định định mức phân bổ NSNN cần quan tâm đến những yếu tố nào thưa ông?
Ông Đinh Văn Nhã: Có nhiều căn cứ để xây dựng các tiêu chí xác định định mức phân bổ NSNN. Tuy nhiên, trước tiên phải căn cứ vào khả năng NSNN, chính là nguồn thu của ngân sách trong năm tài chính và giai đoạn ngân sách. Cùng với đó là hệ thống các tiêu chí phản ánh sự phát triển đồng đều và tương đối thống nhất giữa các địa phương để đảm bảo phân bổ ngân sách công bằng giữa các địa phương, nhất là phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển.
Chẳng hạn, đối với tiêu chí dân số khi phân bổ ngân sách, ngoài chuyện chú ý đến tỷ lệ dân số trung bình giữa các địa phương thì phải tính đến những địa phương có đông người dân tộc thiểu số vì đây là những địa phương có nhu cầu đầu tư lớn và nhiều khó khăn. Một yếu tố quan trọng nữa là đặc điểm tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, phân bổ ngân sách phải căn cứ vào khả năng phát triển của từng địa phương vì thực tế đã cho thấy, phân bổ ngân sách đồng đều thì hiệu quả lại không cao.
Có một thực trạng con số nợ đọng xây dựng cơ bản cứ tịnh tiến vì kỷ luật ngân sách chưa nghiêm. Việc phân bổ ngân sách tới đây sẽ thế nào để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng ngày một tăng thưa ông?
Trước đến nay, chuyện “đầu tư dàn trải, nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản…” là hậu quả do việc không thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật trong điều hành ngân sách. Trong giai đoạn tới, triển khai Luật NSNN và Luật Đầu tư công thì quan trọng là giữ được kỷ cương, kỷ luật tài chính và phải xử lý từng bước tình trạng này.
Thực tế, nợ đọng là vì các địa phương hay “tạm gác” các khoản trả nợ, “quên” các khoản bố trí để hoàn vốn đã ứng trước mà tập trung phân bổ vốn ngay, thậm chí lại không phân bổ cho những dự án, công trình đang dở dang mà lại cho “ra đời” hàng loạt dự án, công trình mới. Kiểu quản lý, sử dụng ngân sách như vậy khiến số dự án, công trình dở dang, kéo dài thời gian thực hiện tăng lên nhanh chóng hàng năm.
Theo tôi, muốn đảm bảo kỷ cương trong đầu tư công thì trong phân bổ ngân sách chỉ dành ra những khoản vốn ưu tiên để trả dứt điểm các khoản nợ cũ đồng thời thu hồi được các khoản tạm ứng. Khi nào xử lý xong việc trả nợ, tạm ứng còn bao nhiêu mới sắp xếp phân bổ ngân sách theo thứ tự ưu tiên. Thứ tự ưu tiên này là phải tập trung làm dứt điểm những dự án, công trình đang thực hiện dở dang. Sau khi không còn những dự án, công trình dở dang mới tính đến đầu tư mới. Luật NSNN đã thông qua và quy định rất rõ điều này, từ năm 2015 trở đi phải nhanh chóng phải giải quyết được tình trạng sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả.
Theo ông cần thêm giải pháp gì để chấm dứt được tình trạng phân bổ ngân sách theo qui trình “ngược” ở các địa phương như ông vừa đề cập?
Trước hết về phía Chính phủ, nếu địa phương nào sử dụng ngân sách không hiệu quả thì phải “thổi còi”, bắt dừng các dự án. Còn QH và các cơ quan của QH, HĐND và các cơ quan của HĐND trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, cũng làm việc theo tinh thần “đúng pháp luật mà làm”. Nghĩa là địa phương nào có vấn đề, có dấu hiệu cho thấy “đầu tư dàn trải” thì phải cảnh báo, kiến nghị Chính phủ xem xét lại trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xem xét, quyết định sử dụng nguồn lực ngân sách được phân bổ không hiệu quả.
Thậm chí, nếu phát hiện địa phương nào “lặp đi lặp lại” câu chuyện đầu tư dàn trải, sử dụng vốn của dân được giao không hiệu quả như vậy thì có khi phải tính đến chuyện “cắt hạn mức dự toán hàng năm” để thể hiện sự quyết liệt và có tính răn đe cao đối với việc sử dụng hiệu quả NSNN.
Ngoài ra, QH và HĐND đều tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Luật NSNN cũng qui định rõ trách nhiệm giải trình về quản lý tài chính và ngân sách.
Có cách nào chấm dứt “xin-cho” ngân sách trong giai đoạn tới, thưa ông?
Câu chuyện ngân sách TƯ hỗ trợ địa phương ngoài những định mức tính bằng điểm, thậm chí vẫn có thực trạng những khoản ứng trước vẫn diễn ra. Trong công tác ngân sách không có qui định “xin là cho” nhưng khi địa phương, bộ, ngành đề nghị hỗ trợ ngân sách thì TƯ, Chính phủ phải xem xét, quyết định. Thực tế, có những vấn đề trong điều hành ngân sách như, có các khoản chi phát sinh do thiên tai, dịch bệnh… mà địa phương không đủ nguồn lực để cân đối thì TƯ cần hỗ trợ. Còn “xin-cho” ngân sách, địa phương “xin” TƯ, các Bộ, ngành “xin” Chính phủ chỉ là cách nói thôi. Với Luật NSNN năm 2015 có nhiều qui định mà theo tôi nếu tổ chức thi hành tốt thì sẽ chấm dứt tình trạng “xin- cho”.
Trân trọng cảm ơn ông!