Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi theo hướng tổng thể, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới. Bà Vũ Thu Hà- Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam đã có chia sẻ với báo giới về hai vấn đề được dư luận quan tâm, là mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến từng phần.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) và biểu thuế lũy tiến đã không còn phù hợp với biến động thực tế thu nhập và chi phí sống. Ý kiến của bà thế nào?
Bà Vũ Thu Hà: Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu trực tuyến Numbeo (6/2025), chi phí sinh hoạt hàng tháng tại Hà Nội ước tính khoảng 12,6 triệu đồng/người độc thân và 43,9 triệu đồng/hộ gia đình 4 người (không kể tiền thuê nhà). Trong khi đó, tổng mức GTGC cho một gia đình 4 người chỉ 30,8 triệu đồng/tháng.
Rõ ràng, mức giảm trừ hiện tại không còn phù hợp, đặc biệt tại các thành phố lớn với chi phí sinh hoạt cao.
Mức GTGC hiện đang áp dụng chưa thay đổi từ năm 2020. Theo Luật thuế TNCN, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vượt 20% sẽ xem xét điều chỉnh GTGC, tuy nhiên CPI cộng dồn từ năm 2020 – 2025 có nhiều khả năng vẫn chưa vượt ngưỡng 20%. Chưa kể, mức tăng CPI 3% vào năm 2020 sẽ khác mức tăng 3% vào năm 2024 vì quy mô của nền kinh tế đã tăng lên rất nhiều.
Giá cả các hàng hóa thiết yếu thực tế trong đời sống hằng ngày của người dân đã tăng mạnh, vượt xa mức tăng chỉ số CPI được công bố. Do đó, việc điều chỉnh mức GTGC và biểu thuế lũy tiến là cần thiết.
Theo bà, việc điều chỉnh mức GTGC nên theo hướng nào?
Trong bối cảnh hiện nay, mức giảm trừ đã không còn phù hợp, đặc biệt tại các thành phố lớn với chi phí sinh hoạt cao. Đồng thời, giá cả các hàng hóa thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân đã tăng mạnh, vượt xa mức tăng chỉ số CPI được công bố.
Để có góc nhìn khách quan hơn, ta có thể tham chiếu thực tiễn cơ chế GTGC của một số quốc gia trong khu vực như:
Giảm trừ cố định: Singapore, Thái Lan hiện áp dụng cơ chế cho trừ một khoản tuyệt đối khỏi thu nhập chịu thuế áp dụng cho mọi đối tượng, hoặc áp dụng mức giảm trừ khác nhau cho từng đối tượng người phụ thuộc dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, khả năng lao động, tình trạng sinh sống. Giảm trừ lũy tiến:Tại Nhật Bản, cơ quan thuế áp dụng hình thức giảm trừ lũy tiến tương ứng với từng bậc thuế suất lũy tiến...
Do đó, chúng tôi đề xuất một số phương án điều chỉnh mức GTGC như sau:
Bổ sung những yếu tố khác bên cạnh chỉ số CPI làm tiêu chí đánh giá định kỳ (1-2 năm/lần) cho mức GTGC, ví dụ như lương tối thiểu vùng, mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập đầu người bình quân theo khu vực, chi tiêu hộ gia đình, tỷ lệ lạm phát dự kiến hàng năm.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng có thể coi là một trong những căn cứ để điều chỉnh mức GTGC.
Ngoài ra, Luật BHXH số 41/2024/QH15 và Nghị định số 158/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật BHXH mới có hiệu lực từ 1/7/2025 có đề cập tới mức tham chiếu. Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Do vậy, theo tôi, Luật thuế TNCN cũng nên xem xét mức tham chiếu tương tự để Chính phủ có thể quyết định và điều chỉnh phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Đề xuất thiết kế và mở rộng các hình thức GTGC đa dạng như: Cho phép giảm trừ một số chi phí sinh hoạt và tiêu dùng thường xuyên của người nộp thuế trên cơ sở thực tế phát sinh như chi phí khám sức khỏe và chi phí tiền học cho con. Áp dụng những mức giảm trừ khác nhau cho các đối tượng người phụ thuộc khác nhau dựa vào độ tuổi, khả năng lao động, mức thu nhập và địa bàn sinh sống.
Hiện nay, biểu thuế lũy tiến có 7 bậc và mức thuế suất khá cao. Nhiều ý kiến đề xuất cần rút gọn số bậc thuế. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Hiện tại, biểu thuế suất lũy tiến và mức thu nhập tính thuế từng bậc của Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia đánh thuế TNCN cao so với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, hiện tại thuế suất tối đa của Việt Nam là 35% và tương đương với Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, mức thuế suất cao nhất của Singapore là 24% và tại Malaysia, Myanmar là 30%.
Với lộ trình dự thảo luật thuế TNCN sẽ được ban hành và áp dụng vào năm 2026 (tức là 17 năm kể từ khi Luật thuế TNCN 2007 ban hành), cộng với sự gia tăng trong mức thu nhập từ tiền lương của cá nhân và các chỉ số giá tiêu dùng, có thể nhận thấy mức thu nhập chịu thuế đã lạc hậu. Tôi cho rằng, việc điều chỉnh biểu thuế lũy tiến và mức thu nhập chịu thuế là cần thiết, đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển nền kinh tế, đảm bảo tăng khả năng cạnh tranh.
Việc rút gọn các bậc thuế sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng thuế cho nhóm người nộp thuế thuộc các bậc thấp, đặc biệt là ở 3 bậc đầu tiên – vốn chủ yếu là những cá nhân có thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản.
Đồng thời, biểu thuế cũng cần được thiết kế lại theo hướng điều chỉnh hợp lý mức chênh lệch giữa các ngưỡng chịu thuế và thuế suất để đảm bảo công bằng. Việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng “nhảy bậc”.
Trân trọng cảm ơn bà!