Luật Tiếp cận thông tin: Dân được biết những gì?

H.Vũ (thực hiện) 17/08/2015 09:10

Ông Đinh Xuân Thảo- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Cần quy định rõ ràng cái gì là thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, và đâu là thông tin để mở cho người dân tiếp cận.

Là Luật quan trọng nhằm phát huy quyền công dân được quy định trong Hiến pháp; phải mất 8 năm mới xây dựng xong Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin và được cho ý kiến lần đầu tiên tại phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trao đổi với ĐĐK, ông Đinh Xuân Thảo- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Cần quy định rõ ràng cái gì là thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, và đâu là thông tin để mở cho người dân tiếp cận.

PV: Thưa ông, cá nhân ông nhận định như thế nào về dự thảo Luật tiếp cận thông tin vừa được Chính phủ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này?

Luật Tiếp cận thông tin: Dân được biết những gì?

Ông Đinh Xuân Thảo: Nói đến tiếp cận thông tin trước đây trong Hiến pháp năm 1992 quy định là quyền thông tin còn bây giờ trong Hiến pháp mới năm 2013 sửa lại là quyền được tiếp cận thông tin. Tức là người dân khi họ muốn biết một thông tin nào đó, họ có quyền được tiếp cận. Trong Hiến pháp quy định chỉ có 4 trường hợp cấm, có nghĩa là những vấn đề khác người dân được làm, còn cái gì cấm phải được quy định bằng luật.

Cho nên Luật tiếp cận thông tin khi được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng. Tiếp cận thông tin là mở ra, mở cửa cho người dân được tiếp cận, ngược lại của nó là đóng cửa, là giữ đến mức độ nào. Mối quan hệ giữa mật và không mật là vấn đề trước đây khi dự thảo của Chính phủ trình sang Quốc hội cũng chưa xác định được rõ.

Luật bí mật Nhà nước cũng chưa xác định được rõ giới hạn nên nhiều lúc phạm vi mật lại quá rộng, có nghĩa phần không mật bị hẹp đi. Chưa kể còn có bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình chúng ta cũng chưa có luật nào quy định. Bây giờ quyền tiếp cận thông tin cho tiếp cận đến đâu để không trái vi phạm với Luật bí mật Nhà nước, bí mật đời tư, bí mật cá nhân là một vấn đề cần được đặt ra.

Chúng ta chỉnh sửa lại để luật đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp tới thì lại loại trừ ra những vấn đề thuộc về bí mật Nhà nước và một số lĩnh vực quy định như tố tụng, dân sự, hay không phải là bí mật Nhà nước nhưng đang trong giai đoạn điều tra nên người ta không thể cung cấp. Bây giờ tất cả các cái đó áp dụng theo những luật kia đã quy định. Vậy cái còn lại quy định ở trong Luật tiếp cận thông tin gồm những gì cũng là vấn đề đang được đặt ra.

Thưa ông, để hoàn thiện thì dự án luật cần phải chỉnh sửa như thế nào?

Hiến pháp quy định quyền được tiếp cận thông tin của người dân là nói chung chứ không chỉ giới hạn thông tin của Nhà nước. Cho nên chủ thể đối tượng cung cấp thông tin là gì? cần phải xác định cho rõ.

Thứ hai là nội dung thông tin được cung cấp đúng là bí mật Nhà nước không cung cấp, nhưng không thể nói do Luật bí mật Nhà nước điều chỉnh. Cho nên cái gì được cung cấp, cái gì không được phải quy định ở ngay trong luật này. Tức là Luật tiếp cận thông tin như là luật gốc về vấn đề cung cấp thông tin.

Nếu nói là bí mật không cung cấp thì cũng phải quy định cho rõ. Các nước họ quy định thông tin mật người dân được tiếp cận sau bao nhiêu năm vì có chế độ giải mật.

Bây giờ cần rà soát và xem xét lại, phải xác định như luật chính để quy định quyền tiếp cận thông tin của người dân trên cơ sở đó thì đưa ra nguyên tắc, giới hạn, trách nhiệm chủ thể cung cấp, nội dung cung cấp như thế nào cũng như phương thức cung cấp như thế nào. Tiếp cận có nghĩa là chủ động nên anh nắm giữ thông tin khi người tiếp cận có nhu cầu tiếp cận thông tin đó thì phải tạo điều kiện cho người ta tiếp cận.

Vậy vấn đề mật và không mật phải được quy định cụ thể như thế nào thưa ông? Nếu không nhiều cơ quan sẽ đưa vào diện mật để từ chối quyền cung cấp thông tin cho người dân?

Ở một số nước như ở Na Uy người ta muốn hỏi xem lương của các quan chức trong bộ máy Nhà nước thì họ vào trong nhà Quốc hội. Ở đó có chỗ đặt máy tính bấm vào là hiện lên hết thì có quyền xem. Còn muốn in ra phải trả phí vì còn giấy tờ, chứ chỉ xem không thì không thể bắt người ta trả tiền.

Hay ở Nga người dân có thể vào nhà Quốc hội để xem lương của Thủ tướng, các phó Thủ tướng cùng gia đình. Còn Tổng thống thì không được vì Nga có sắc luật quy định mọi thông tin của gia đình Tổng thống là thuộc về bí mật quốc gia, không ai được tra khảo. Vậy cách quy định của mình trong Luật tiếp cận thông tin cũng phải như thế nào cho chặt chẽ, cụ thể.

Luật tiếp cận thông tin có vấn đề thu phí, vậy vấn đề này cần cụ thể hóa như thế nào trong luật, ví dụ người dân đến hỏi thông tin về quy hoạch đất đai hay làm sổ đỏ thì không thể thu tiền của dân bởi nguyên tắc là Nhà nước phải phục vụ nhân dân?

Những thông tin nhà nước có trách nhiệm công bố khi dân đến hỏi phải cho dân xem để dân biết. Đó là chuyện không được thu phí, không có quyền. Chỉ khi ông cần bao nhiêu bản photocopy thì phải trả tiền. Thực ra cái đó không phải là phí mà như một hợp đồng dân sự, ông muốn mua thì trả tiền giấy, mực. Chính vì vậy phải quy định cho rõ chứ dân đến hỏi mà thu phí là không đúng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Tiếp cận thông tin: Dân được biết những gì?