Luật tục và những khu rừng

Quang Vũ 03/02/2020 08:00

Giữ rừng và phát triển rừng là công việc khó khăn. Những năm qua, nhiều nơi do không làm tốt công tác bảo vệ rừng nên nhiều diện tích rừng đã bị triệt hạ. Từ đó đất đai cằn cỗi bạc màu, xuất hiện những trận lũ, sạt lở đất. Tuy nhiên, tại một số địa phương, cùng với việc tuân thủ quy định bảo vệ rừng của chính quyền, thì những luật tục đẹp của đồng bào đã làm rất tốt công việc khó khăn này.

Luật tục và những khu rừng

Người dân khu 9, thị trấn Than Uyên (Lai Châu) thường xuyên kiểm tra làm cỏ, phát quang dọn thực bì phòng chống cháy rừng.

Từ xưa, bà con các dân tộc thiểu số nước ta đã ý thức rất rõ việc gìn giữ bảo vệ môi trường sống nói chung, trong đó có bảo vệ rừng. Rừng như ngôi nhà của bà con. Chính vì thế, những luật tục đã ra đời, và được bà con thực hiện.

Với bà con người Ê Đê (Tây Nguyên) bảo vệ rừng, chim thú, đất đai, nguồn nước chính là để bảo vệ cuộc sống của chính mình. Theo luật tục, việc bảo vệ cây đầu nguồn, bảo vệ cây rừng bên bờ suối, bảo vệ cây rừng ở bến nước, bảo vệ cây rừng ở khu rừng già, bảo vệ cây rừng ở khu rừng non…là những quy ước cho tất cả mọi người. Bà con hiểu rằng, cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất cây rừng đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, con người và muôn loài sẽ bị huỷ diệt.

Một trong những điều mà luật tục của bà con Ê Đê quy định: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar”, kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải bị đưa ra xét xử. Cùng đó, luật tục cũng răn dạy: “Cây rừng đã có từ thời xưa của ông bà để lại. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ muôn làng. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước. Bảo vệ cuộc sống của nhân dân”.

Luật tục của người Ê Đê cũng quy định rõ về các vụ cháy rừng: Không đốt lửa bừa bãi, vô ý thức khi vào rừng; khuyên răn mọi người phải hết sức chú ý khi dùng lửa, nếu ai gây cháy sẽ bị trừng phạt rất nặng.

Nếu ai có dịp tìm hiểu luật tục của người M’nông ở Đắk Nông, sẽ rất thán phục với các điều khoản quy định về bảo vệ rừng: “Khu rừng sâu đâu phải của nai, khu rừng đó là của tổ tiên, khu rừng đó là của con cháu, khu rừng đó là của ông bà, khu rừng đó là của chúng ta”. Do đó, luật tục khuyên nhủ mọi người: “Làm nhà đừng dùng cây nữa; làm chòi đừng đừng dùng cây nữa; làm rẫy không phát rừng nữa; khi thiếu đói đừng đào củ nữa”.

Nhiều dân tộc thiểu số khác cũng có những luật tục đẹp, quy định về việc bảo vệ, gìn giữ rừng. Với bà con người Thái vùng núi cao phía Bắc, luật tục quy định: “Không nạn nào hơn nạn lửa, nạn nước. Dùng nước phải biết tránh luồng nước. Dùng lửa hãy giữ gìn nạn cháy”. Luật tục của đồng bào Thái quy định về sự cân bằng sinh thái giữa con người với rừng núi; thể hiện trong tập quán phân loại rừng thành từng khu vực nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau của cuộc sống như: rừng núi phòng hộ nằm trên khu vực đầu nguồn nước, tuyệt đối cấm khai thác; rừng núi dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà và phục vụ các nhu cầu cuộc sống thì tuyệt đối không được chặt đốt làm nương; núi rừng phục vụ cuộc sống tâm linh, được gọi bằng tên chung là “rừng thiêng” mà ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn.

Luật tục và những khu rừng - 1

Nghi thức cúng thần rừng của người Mông xã Nà Hẩu (Yên Bái). Nguồn: Yenbai Online.

Nhìn chung, những điều khoản trong luật tục về việc bảo vệ, phòng, chống nạn cháy rừng của cộng đồng thường rất cụ thể, sát thực tiễn. Từ đó ai cũng hiểu, dễ hưởng ứng và tuân theo. Những luật tục ấy ăn sâu vào tâm thức của từng người.

Như vậy, luật tục giữ rừng của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng với pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như các lĩnh vực pháp luật khác của Nhà nước, đã giúp cho những cánh rừng không bị triệt phá. Trái lại, nó càng ngày càng được nhân rộng.

Trong nhiều thành tích gìn giữ rừng ở các địa phương, xin được kể lại việc bà con ở Nà Hẩu (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) dùng luật tục giữ rừng, như một ví dụ tiêu biểu. 340 hộ đồng bào Mông trong xã không chỉ yêu quí rừng, chung sống hoà thuận với rừng mà còn giữ rừng bằng những tập tục thiêng liêng, đó là tục cúng Thần Rừng vào những ngày đầu xuân.

Hàng năm, cứ đến ngày 30 tháng Giêng âm lịch, bà con lại tổ chức lễ cúng Thần Rừng. Bà con luôn tin rằng trong rừng có Thần Rừng cai quản và che chở phù hộ cho dân làng, vì vậy Thần Rừng được tôn thờ, sùng kính như đối với ông bà tổ tiên. Tín ngưỡng thờ Thần Rừng của người Mông như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ, thế nên bản nào của xã Nà Hẩu cũng có một khu rừng cấm riêng với những qui định bất khả xâm phạm.

Để chuẩn bị cho buổi lễ cúng Thần Rừng, dân bản quyên góp tiền mua lợn, gà, rượu, hương thơm...; bầu ra người chủ lễ đồng thời là thầy cúng và là người quản lý rừng cấm - rừng thiêng của bản. Buổi lễ trang nghiêm được diễn ra ở cửa rừng, bàn thờ cúng bằng đá được đặt dưới gốc cây chò cổ thụ. Lễ vật dâng tế Thần Rừng gồm 2 con gà trống, 1 con lợn, hương và giấy bản. Các lễ vật này được cúng dâng Thần Rừng 2 lần: cúng khi con vật còn sống và sau khi đã được chế biến chín.

Đáng chú ý, lễ cúng Thần Rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của bản, tổng kết công tác bảo vệ rừng, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong bản, chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm. Cũng tại đây, bà con ký cam kết bảo vệ rừng với cán bộ kiểm lâm huyện, cam kết không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, không săn bắt động vật hoang dã, không đốt nương làm rẫy, có trách nhiệm tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, những khu rừng ở đây luôn luôn xanh tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật tục và những khu rừng