Vụ việc 50 người thiệt mạng khi một mỏ khai thác bị sập gần thị trấn Kamituga, phía Đông Congo mới đây chỉ là một minh chứng cho tình trạng rủi ro cao mà người thợ vàng nơi đây thường gặp phải. “Vàng máu” là cụm từ mà ai cũng biết tại quốc gia có nhiều vàng nhất “lục địa đen”.
Luật ngầm của dân buôn lậu
Theo các số liệu không chính thức, mỗi năm Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) khai thác từ 16 đến 20 tấn vàng nhưng xuất khẩu chính thức chỉ khoảng 3,5 tấn. Số còn lại được đưa lậu sang các quốc gia láng giềng. Theo tổ chức Sentry của Mỹ, khoảng 300 triệu đến 600 triệu USD vàng đã bị khai thác và xuất khẩu trái phép khỏi Congo mỗi năm. Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tại các cửa khẩu sân bay Congo, cảnh sát thường xuyên lục soát được những thỏi vàng vận chuyển trái phép của hành khách trong những chuyến bay đi Dubai.
“Rất nhiều khu vực tại châu Phi như miền Đông Congo nằm trong tình trạng vô chính phủ, dẫn đến hiện tượng khai thác vàng trái phép. Tại những khu vực này, các tổ chức quân sự tự trị sẽ thu 3% lệ phí từ những tổ chức khai thác trái phép. Khoảng 90% lượng vàng khai thác ở Congo hiện nay là trái phép và chúng được xuất khẩu hết sang Uganda hoặc Rwanda để bán sang các thị trường như Dubai”- một báo cáo của châu Phi cho biết.
Tệ hơn, các báo cáo điều tra cho thấy phần lớn vàng Uganda nhập đến từ những mỏ bị kiểm soát bởi những tổ chức quân sự tự trị. Người công nhân tại những mỏ này bị ép phải khai thác vàng và chỉ được trả 25 USD/gr, thấp hơn nhiều so với giá 60 USD/gr trên thị trường. Đó là chưa kể việc các công nhân phải trả thêm phí bảo hộ hàng tháng. Theo số liệu của trang tin Nhân chứng Toàn cầu, miền Đông Congo hiện có 32 nhóm vũ trang kiểm soát các khu mỏ khai thác vàng bẩn theo lối thủ công, trong đó có 5 nhóm liên kết với một số quốc gia láng giềng để tiêu thụ.
Những nhóm này ngoài việc thu thuế, ép buộc hợp tác xã phải bán cho họ phần lớn số vàng khai thác được, họ còn tổ chức đánh cướp các mỏ khác. Năm 2015, qua thăm dò 1.615 mỏ vàng thủ công ở miền Đông Congo, trang tin Nhân chứng Toàn cầu cho biết 3/4 lượng vàng tìm thấy đều phải bán cho “người ngoài” thay vì cho các công ty chính phủ.Trong khi đó, nghiên cứu của tổ chức IPIS từ Bỉ cho thấy ít nhất có khoảng 200.000 người làm việc tại các mỏ vàng trái phép của Congo và hầu hết chúng được bảo kê bởi những tổ chức quân sự.
Khó kiểm soát tận gốc
Để chống “vàng bẩn”, với sự hỗ trợ của Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc, Chính phủ Congo đã thành lập Dự án Just Gold, tiến hành thực hiện một số biện pháp kỹ thuật công nghệ cao nhằm truy xuất nguồn gốc vàng - từ mỏ đến thị trường. Theo ông Mbayo- Giám đốc Văn phòng tỉnh Bắc Kivu thuộc Bộ Mỏ, Congo, thì chính những quốc gia láng giềng đã tạo điều kiện cho việc buôn lậu vàng, làm cạn kiệt tài nguyên đất nước Congo, làm mất đi hàng triệu USD tiền thuế và tiền bản quyền của Chính phủ.
Ông Mbayo cho rằng, phần lớn các nhà buôn quốc tế đều không muốn mua vàng bẩn Congo, mà họ mua từ các nước láng giềng với Congo mặc dù họ biết rằng xuất xứ của vàng vẫn là ở Congo. Muốn ngăn chặn tận gốc là rất khó nếu không có sự hợp tác của các quốc gia láng giềng. Lẽ ra Chính phủ Congo đã có thể trao đổi nguồn tài nguyên quý báu ấy để đổi lấy các cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá, lưới điện, trường học, bệnh viện… nhưng chừng nào việc khai thác vàng bẩn chấm dứt, các nhóm vũ trang bảo kê mỏ buông súng thì chừng ấy, Congo mới có thể sử dụng hiệu quả nguồn lợi của mình…
Năm 2014, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni quyết định bỏ thuế nhập khẩu lẫn xuất khẩu vàng, qua đó thúc đẩy các nhà đầu tư Bỉ chi 15 triệu USD thành lập Hiệp hội Vàng châu Phi (AGR) tại đây để kinh doanh với thời hạn ít nhất 10 năm.
Các hệ lụy về nạn khai thác vàng cũng đang trong tình trạng báo động và rất khó để hạn chế. Tai nạn lao động là vấn đề đặc biệt đáng quan ngại ở các mỏ khai thác không được kiểm soát ở CHDC Congo, với hàng chục người chết mỗi năm tại các mỏ - nơi những người thợ không có trang bị đầy đủ khi vào sâu dưới lòng đất để tìm kiếm quặng.