Những chuyển động của văn chương Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ những nhà văn đang sống, làm việc ở nước ngoài. Đó là những người Việt, hoặc gốc Việt đã viết lên những tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau. Đa số đều viết bằng tiếng Việt và gửi về xuất bản ở trong nước.
1. Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, bên cạnh những nỗ lực để đưa các tác phẩm văn chương Việt Nam dịch và xuất bản ở nước ngoài có một xu hướng là những tác phẩm văn chương “trở về” đất Mẹ. Chính xác hơn, là được các nhà văn, tác giả người Việt Nam đang sinh sống, định cư ở nước ngoài viết và gửi về xuất bản ở Việt Nam.
Tuy chưa quá ào ạt thành một cơn sóng, nhưng bền bỉ, năm này nối năm kia tạo thành một mạch nguồn, một xu hướng. Có thể kể ra đây những cái tên như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà, Thuận, Hiệu Constant, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Huy Hoàng, Quỳnh Lê, Mai Lâm, Kiều Bích Hương, Nguyễn Phan Quế Mai… Mỗi người chọn cho mình một “vùng khí hậu” để sống, nhưng những tác phẩm mà các tác giả - nhà văn này công bố, cho người đọc cảm nhận chung, rằng họ đang kể những câu chuyện của cố hương. Hay nói cách khác, dù họ sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn họ vẫn thấm đẫm văn hóa Việt. Và cái viết của họ, thường có liên quan đến những câu chuyện, những nhân vật mà họ đã chứng kiến, đã gặp gỡ trong thời gian sống ở quê nhà.
Dù thể loại đa dạng, khi là tiểu thuyết, khi là tập truyện ngắn, khi là tản văn, tạp văn, cũng có những cuốn thuộc thể loại du ký, thậm chí có tác giả viết sách về phương pháp nuôi dạy con ở xứ người, nhưng đều cho thấy một trái tim nguồn cội, muốn được chia sẻ với những độc giả cùng chung dòng máu, tìm những đồng điệu trong tâm hồn…
Một trong những tác phẩm minh chứng cho điều này là cuốn sách “Tuổi ấy mình yêu” của nhà văn Lê Minh Hà. Cuốn sách vừa được NXB Trẻ ấn hành vào tháng 3 vừa qua. Lê Minh Hà, qua cuốn sách này, cho bạn đọc hồi cố lại những năm tháng thanh xuân khi còn ở Việt Nam. Âm hưởng này cũng có thể gặp trong một số tác phẩm trước đó của bà như “Thương thế ngày xưa”, “Những triền xưa ai đi”… Rời Hà Nội ở tuổi ngoài 30 và có 27 năm sống tại Đức, nhưng những trang viết của nữ nhà văn này cho người ta thấy những câu chuyện đẹp có, day dứt có, của một thời.
Còn nhớ, trong một lần trở về Hà Nội giao lưu với bạn đọc, nhà văn Lê Minh Hà kể nhiều câu chuyện về những năm tháng tuổi thơ, thời làm cô giáo dạy học ở Hà Nội. Những câu chuyện về một thời bao cấp khó quên. Nhà văn Đỗ Phấn bảo, đó là những “câu chuyện nhỏ được kể một cách nhuần nhị và duyên dáng hết sức tự nhiên”.
Cùng với Lê Minh Hà, tác giả Mai Lâm hiện đang sống ở Đức mới đây cũng vừa xuất bản cuốn “Tay chơi”. Tập tản văn dày gần 400 trang, cũng do NXB Trẻ ấn hành, tập hợp những bài tác giả viết từ xa Hà Nội. Dù vậy, vốn là “tay chơi phố cổ”, nên cái viết của Mai Lâm cũng là những hồi ức. Chỉ khác với một số nhà văn lành nghề, Mai Lâm viết chân thực, không màu mè, không “làm văn”. Những trải nghiệm trong quá khứ ở Hà Nội được tác giả kể lại khi ngồi trong một không gian xa cố hương vạn dặm, làm cho người ta nhớ, thương, và muốn trở về.
2. “Thương thế ngày xưa” dường như cũng là cảm hứng chung của khá nhiều nhà văn khi viết về quê hương của mình. Ở khoảng cách địa lý nhất định với thời gian xa cách nhất định, họ ít nhiều có sự so sánh giữa nơi mình đang sống và cố hương.
Lùi xa để so sánh, để nhận diện sắc nét hơn những điều được và chưa được nhưng không vì thế mà họ phán xét hay cay nghiệt. Tất cả đều được viết bằng nỗi niềm trăn trở, như là một sự nhắc nhớ cho mình kí ức đã qua, như là một cách trò chuyện với chính bản thân và sự chia sẻ với độc giả về thời mình đã sống.
Sinh ra tại Hà Nội, hiện đang sống và dịch sách tự do tại Thụy Sĩ, dường như nỗi nhớ quê nhà luôn hiện hữu trong tâm hồn Quỳnh Lê. Quê hương, xứ sở, đất nước là một điều rất đỗi thiêng liêng, thường trực trong trái tim mình. Chính vì thế, những cuốn sách chị viết hay dịch đều có bóng dáng “những quê hương bé nhỏ” của mình, của nhân vật, của những đứa con của mình. Từ bản dịch “Những quê hương bé nhỏ”, hay cuốn “Pho Mát và Đậu Bắp làm trẻ con ở Thụy Sỹ” đều ẩn giấu trong đó những tâm sự của chị. Đúng như Quỳnh Lê tâm sự trong một buổi giao lưu cách đây ít lâu với bạn đọc tại Hà Nội: “Quê hương bé nhỏ” là hành trình tìm về tuổi thơ và một số ký ức đau thương bởi các cuộc xung đột đẫm máu ở Burundi và Guanda những năm 1994. Và đây cũng là câu chuyện của người xa xứ luôn nuôi trong lòng nỗi nhớ cố hương. Tôi có cảm giác là mình cũng “đồng bệnh tương liên” với tác giả. Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình hình bóng của một quê hương. Đó là nguồn gốc nuôi dưỡng tâm hồn chúng và là nơi chúng luôn hướng về”.
Hầu hết những người viết theo lối chiêm nghiệm này đều đã có một số tuổi đời nhất định. Nên nếu họ có viết về thời gian khó, thiếu thốn của chiến tranh hay bao cấp cũng là điều dễ hiểu. Và trong những trang viết ấy, nếu có một chút phê phán, một vài tiếng thở dài cũng là điều dễ hiểu. Đó là sự thật của Việt Nam một thời. Khi ta nhìn thẳng vào những mặt còn chưa được ấy, ta sẽ thấy quý giá, trân trọng biết bao những gì mình đang có, những đổi thay như ngày nay.
Có lẽ, chính độ lùi xa nhất định đã cho họ những thấu cảm và cả những nỗi nhớ nhung để viết một cách thấu đáo hơn về nơi mình chôn nhau cắt rốn.
3. Trong danh sách những kiều bào sống xa Tổ quốc có viết văn, làm thơ, dịch thuật và đã từng gửi bản thảo về Việt Nam xuất bản có thể kể đến nhà văn Đoàn Minh Phượng với tác phẩm “Và khi tro bụi”; Thuận với “China town”, “Vân Vy”, “T mất tích”, “Thang máy Sài Gòn”, “Thư gửi Mina”; Nguyễn Văn Thọ với “Quyên”, “Phố cũ”, “Vợ cũ”; Trần Quốc Quân với “Tuyết hoang”; Hiệu Constant với “Làm dâu nước Pháp”, “Hẹn gặp lại”…, Kiều Bích Hương với “Vợ Đông chồng Tây”, “Đàn bà yêu thành phố”; Quỳnh Lê với “Quê hương bé nhỏ”, “Kinshasa không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”…
Đặc biệt hơn, có những nhà văn Việt Nam đang sống ở nước ngoài đã viết những tác phẩm trực tiếp bằng tiếng Anh và được xuất bản ở nước ngoài. Như nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai. Tiểu thuyết “The Mountains Sing” (tạm dịch: “Những ngọn núi ngân vang”) của chị gần đây ra mắt ở Mỹ, sau đó tiếp tục được Nhà xuất bản Oneworld (London, Anh) phát hành. Trung tuần tháng 4 vừa qua, Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ trên trang cá nhân của mình: Tiểu thuyết “Những ngọn núi ngân vang” sắp được Nhà xuất bản Hena Com ra mắt ở Croatia. Chị không giấu được tự hào khi viết: “Thật tình là mình rất xúc động khi thấy tên mình xuất hiện ở các nước theo phong cách Việt Nam, với đầy đủ dấu. Bảo tồn văn hóa Việt Nam trong các tác phẩm luôn là mong ước lớn lao của mình”…
Còn có thể kể ra nhiều hơn những cái tên đã đóng góp vào dòng chảy văn học Việt Nam đương đại. Chỉ có điều, mỗi người lựa chọn văn chương theo một cách khác nhau. Người xác định viết là một nghề, và thực hành nó mỗi ngày. Người viết văn theo lối “tài tử”, rảnh lúc nào mới viết. Lại có người chỉ viết một cuốn, rồi thôi, chưa biết lúc nào mới quay về với văn chương. Chính vì thế, một “dòng sông” của văn học xa xứ luôn chảy, lúc khoan lúc nhặt, nhưng bền bỉ và khi hòa nhập với đời sống văn học trong nước, đã tạo thành một bức tranh sống động, hoàn chỉnh hơn.