Lấy đất chùa Diệu Nam (60 Đại La, Hà Nội) làm đường nhưng UBND quận Hai Bà Trung lại đền bù cho những người không liên quan đến chùa. Khi Trụ trì chùa Diệu Nam khiếu nại thì quận lại "đóng băng" số tiền đền bù này.
Trụ trì khiếu nại
Ngày 18/9/2020 bà Phạm Thị Là (pháp danh Ngọc Bảo), Trụ trì chùa Diệu Nam Phật đường (60 Đại La, P. Trương Định, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) gửi đơn khiếu nại đến báo Đại Đoàn Kết về việc UBND quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định 3168/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng vành đai II (đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mới - Ngã Tư Vọng) tại chùa cho cá nhân bà Lê Thị Loan và các thừa kế của cô Thái Thích Đàm Mến với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng.
Trong đơn khiếu nại gửi tới báo Đại Đoàn Kết, trụ trì Phạm Thị Là cho biết: “Chùa Diệu Nam là cơ sở tôn giáo do các tu sĩ Nam tông Minh Sư đạo xậy dựng năm 1930, trực thuộc Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo - Tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận theo quyết định sô 196/QĐ-TGCP ngày 1/10/2008. Hiện nay, chùa Diệu Nam là cơ sở tôn giáo Nam tông Minh Sư đạo còn lại duy nhất ở miền bắc được giao cho bà Phạm Thị Là làm trụ trì, quản lý tài sản, duy trì việc thờ cúng tín ngưỡng tôn giáo Minh Sư đạo.
Nhưng ngày 17/9/2020 Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 3168/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường cho cá nhân bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến để thực hiện dự án xây dựng vành đai II qua đường Đại La, Hà Nội.
Trụ trì chùa Diệu Nam khẳng định trong đơn khiếu nại: “UBND quận Hai Bà Trưng vẫn căn cứ vào bản án đã bị huỷ để tiếp tục ra quyết định bồi thường toàn bộ số tiền của chùa cho cá nhân bà Lê Thị Loan - người không có cơ sở pháp lý về quyền sở hữu đối với tài sản và đất đai của chùa Diệu Nam là vi phạm pháp luật.
Đáng lẽ ra, khi có quyết định kháng nghị tái thẩm và quyết định tái thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng phải điều chỉnh lại quyết định số 6688/QĐ-UBND, phương án bồi thường phải lấy tên chùa Diệu Nam theo văn bản của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội chứ không được dựa vào bản án đã bị huỷ, lấy tên cá nhân để tiếp tục ban hành quyết định sai phạm như vậy”.
Nguồn cơn sự việc
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đại Đoàn kết, chùa Diệu Nam được xây dựng năm 1930, do công của các Cô Thái: Mai Thị Tất, Nguyễn Thị An, Sầm Thị Vượng, Ngô Thị Toàn và Đỗ Thị Tỉnh.
Ngày 12/12/1957, các vị sư tổ của Giáo hội Phật đường Nam Tông đã để lại di chúc với nội dung: “Chúng tôi muốn rằng ngôi chùa ấy sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố bán chác. Sau khi chúng tôi qua đời thì ngôi chùa ấy sẽ giao cho 5 người đệ tử chúng tôi và 2 bà Ngô Thị Toàn, Đỗ Thị Tỉnh là: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Vi, Nguyễn Thị Bằng, Hoàng Thị Yến, Trịnh Thị Lương. Cả 5 người này sẽ thay thế cho chúng tôi trông nom, gìn giữ, tu bổ chùa, chăm lo thờ cúng Phật Tổ; ngoài 5 người ấy ra các cháu của chúng tôi không ai được dự quyền vào công việc của chùa… Sau này đệ tử chúng tôi già yếu đi cũng sẽ chọn 5 người đệ tử khác để giao lại quyền và công việc của chùa, vĩnh viễn để làm nơi thờ cúng không được bán đi hoặc đem cầm cố”.
Năm 1990, trong quá trình tu tập tại chùa, Cô Thái Hương và Cô Thái Lương xảy ra mâu thuẫn, vì vậy Cô Thái Hương đề nghị tòa án phân chia làm đôi, chia cho Cô phần chùa để sử dụng. Ngày 8/5/1992, TAND quận Hai Bà Trưng ra bản án sơ thẩm số 21/DSST phân chia chùa Diệu Nam, nhưng cả 2 cụ đều kháng cáo.
Đến ngày 7/8/1992, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên bản án số 151/PTDS quyết định cụ Hương và cụ Lương mỗi người sở hữu 1/2 chùa Diệu Nam, riêng chùa chính và sân trước chùa không chia để sử dụng chung. Vụ việc sau đó được kháng nghị xem xét theo trình tự tái thẩm.
Ngày 31/5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT, trong đó xác định, chùa Diệu Nam là do 5 vị sư tổ của Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo xây dựng từ năm 1930. Các vị sư tổ đã để lại di chúc với nội dung, ngôi chùa sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố, bán chác. Sau khi các vị sư tổ qua đời thì ngôi chùa sẽ giao 5 người đệ tử trông nom, tu bổ.
“Bản án sơ thẩm, phúc thẩm xác định bản di chúc của các cụ có giá trị pháp lý là có căn cứ. Theo nội dung bản di chúc, có đủ căn cứ để xác định ý chí của các cụ là giữ ngôi chùa vĩnh viễn làm nơi thờ cúng và các đệ tử đời sau chỉ được trông nom, gìn giữ, tu bổ… và cũng đã chỉ rõ người quản lý di sản là các đệ tử nối dõi, con cái các cụ cũng không được can dự vào việc quản lý chùa. Do đó, lẽ ra Tòa án không được phân chia thừa kế chùa Diệu Nam”, quyết định nêu.
Về nguồn gốc đất, trong quyết định tái thẩm nêu rõ: “Tại Công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 03/12/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã xác định về nguồn gốc đất: “Thửa đất số 218 và 219, Tờ bản đồ 5H-II-15 (bản đồ lập năm 1996), phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng có nguồn gốc ở vị trí tương đối tại thửa đất số 22, Tờ bản đồ số 38 (bản đồ lập năm 1960) khu Bạch Mai.
Theo tài liệu lưu trữ, thửa đất số 22, Tờ bản đồ số 38 (bản đồ lập năm 1960) khu đất Bạch Mai nguyên là đất công chùa Diệu Nam”. Như vậy, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì thửa đất của chùa Diệu Nam đã được xác nhận tại hồ sơ địa chính là đất công chùa Diệu Nam. Tòa án không xem xét, đánh giá để xác định đất của chùa Diệu Nam đã là đất công của chùa nên vẫn xác định chùa thuộc quyền sở hữu tư nhân và chia thừa kế. Theo kết quả xác nhận của cơ quan quản lý đất đai tại công văn nêu trên thì đất của Chùa Diệu Nam đã là đất công của Chùa từ năm 1960, đây là tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án để xem xét hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục tái thẩm”.
Từ đó, quyết định: “Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP. Hà Nội và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 8/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Hương với bị đơn là cụ Trịnh Thị Lương. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.
Quyết định đền bù có đúng người?
Được biết, bà Phạm Thị Là là Trụ trì chùa Diệu Nam từ năm 2009 theo Đạo lệnh bổ nhiệm chức sắc hành đạo số 32/BTS-ĐL, ngày 28/5/2009 của Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo. Tại Đạo lệnh số 35/BTS-ĐL, ngày 7/11/2009 về việc thành lập Phật đường thì bà Phạm Thị Là là đệ tử duy nhất đời thứ 3 nối nghiệp các Cô Thái tại chùa Diệu Nam.
Còn trong văn bản số 68/BTS-TƯ mà Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo ngày 28/10/2019 gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND TP Hà Nội... , cho biết: “Bà Lê Thị Loan trước đây từng là tu sĩ Minh Sư Đạo có pháp danh Ngọc Tiến, nay đã tự ý cải đạo không còn sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo Minh Sư Đạo tại chùa Diệu Nam…
Bà Lê Thị Loan không phải trụ trì chùa Diệu Nam, không thuộc thành phần giáo phẩm do Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo bổ nhiệm, tấn phong, quản lý, vì đã cải qua đạo khác, từ lâu đến nay không còn sinh hoạt tại chùa Diệu Nam.
Bà Lê Thị Loan không thuộc thành phần đại chúng tín đồ, đệ tử sinh hoạt theo tôn giáo tại chùa Diệu Nam – cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo. Bà Lê Thị Loan không được quyền quản lý, sử dụng tài sản, không có quyền lợi liên quan đến tài sản của chùa Diệu Nam tại số 60 Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội…”.
Vậy nhưng khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai II trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, ngày 17/9/2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 3168/QĐ-UBND trong đó phê duyệt đền bù đất chùa Diệu Nam cho hộ bà Lê Thị Loan (người không có quyền hạn và nghĩa vụ liên quan đến chùa Diệu Nam) và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến số tiền 43.848.230.330 đồng.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Minh Anh Hải, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng cho biết: “Ngày 31/12/2019 UBND ban hành quyết định 6688/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng số tiền là hơn 43 tỷ (tại 60 Đại La - chùa Diệu Nam) đối với chủ sử dụng đất, sở hưu tài sản bị thu hồi là bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến.
Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng UBND quận có nhận được đơn thư của bà Phạm Thị Là kèm quyết định kháng nghị tái thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đối với bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP Hà Nội, quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT ngày 31/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội huỷ toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 151/ PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP Hà Nội và huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 8/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định khoản 3 điều 30 nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định “trường hợp diện tích đất thu hồi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chưa giải quyết xong thì tiền bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất đang có tranh chấp đó được chuyển vào Kho bạc Nhà nước chờ sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong thì trả cho người có quyền sử dụng đất”.
Vì vậy, sau khi ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND quận đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dừng việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại điểm đất trên, chuyển toàn bộ số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước chờ đến khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong thì trả cho người có quyền sử dụng đất theo đúng quy định”.
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Lưu Kiều Trang, Công ty Luật Hợp danh The Light cho biết: “Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 159 Luật Đất đai 2013: “Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”.
Trong khi đó theo công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 3/12/2018 của Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã xác định đất của Chùa Diệu Nam đã là đất công của chùa từ năm 1960. Như vậy, việc đền bù cho đất thuộc cơ sở tôn giáo thuộc sở hữu chung của tổ chức tôn giáo. Người đại diện nhận tiền bồi thường phải là người đại diện cho cơ sở tôn giáo đó.
Do đó, theo luật sư Trang, UBND quận Hai Bà Trưng cần xem xét lại nội dung Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường đất chùa Diệu Nam tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan, để điều chỉnh hoặc xử lý theo quy định để tránh gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khi nguồn tiền không trao cho đúng đối tượng thụ hưởng.