Mặc dù các văn bản đều thể hiện, số tiền gần 72 tỷ đồng được bà Trần Thị Toàn chuyển cho nhóm của bà Lê Thị Bạch Tuyết để thực hiện thỏa thuận đầu tư. Tuy nhiên, sau khi “cơm không lành” thỏa thuận trên bị biến thành cho vay tài chính.
“Phủi” thỏa thuận
Như đã trình bày ở bài trước, để có tiền triển khai các dự án mà PVIT làm chủ đầu tư, đại diện một số lãnh đạo, cổ đông của đơn vị này đã ký kết một Thỏa thuận đầu tư với bà Trần Thị Toàn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vào 8/2020 bà Trần Thị Toàn phát hiện phía bà Tuyết không thực hiện đúng các nội dung trong thỏa thuận.
Ngay lập tức bà Toàn đã làm đơn tố cáo bà Lê Thị Bạch Tuyết, ông Đường Dũng Tiến, ông Trần Lương Sơn, ông Đường Hùng Cường và bà Lê Thị Kim Ngân gửi các cơ quan chức năng tố cáo về hành vi lừa đảo của nhóm người trên.
Theo đơn tố cáo và tài liệu bà Toàn cung cấp, diễn biến của vụ việc cho thấy phía bà Lê Thị Bạch Tuyết đã mua khoản nợ 8 sàn thương mại bằng tiền của bà Trần Thị Toàn nhưng sau đó tự ý xóa phần lớn nợ cho PVIT; Mua cổ phần tại PVIT cao hơn giá trị thực tế (giá trị thực tế chỉ còn 0,3 đến 0,4 nhưng đã mua với giá 1,7 và 1,9); Số tiền 8 tỷ chi phí cho Haviland có thể không hợp pháp.
Ngay sau đó, bà Trần Thị Toàn đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, những người phía bà Lê Thị Bạch Tuyết đã chiếm đoạt tài sản của bà Trần Thị Toàn thông qua việc thực hiện “Thỏa thuận kế hoạch đầu tư”.
Sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã gửi cho bà Trần Thị Toàn Thông báo số 02/HS-DD5 ngày 17/3/2021 là quan hệ dân sự, do đó, đã ra Quyết định không khởi tố vụ án.
Không đồng ý với Quyết định trên, ngày 9/6/2021 bà Trần Thị Toàn đã có đơn khiếu nại quyết định trên và gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đề nghị làm rõ.
Ngày 22/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An có văn bản số 02/QĐ-VP CQCSĐT trả lời đơn của bà Toàn và khẳng định việc công nhận Quyết định không khởi tố vụ án là đúng.
Trong Văn bản số 02 này, Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng “Đây là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế vì giao dịch kinh doanh, đầu tư giữa các bên được thực hiện theo hợp đồng dân sự. Sau khi thống nhất phương án đầu tư, bà Trần Thị Toàn đã chuyển số tiền hơn 71 tỷ đồng và được bà Lê Thị Bạch Tuyết thực hiện theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận, ký kết, không thể hiện hành vi gian dối”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Toàn cho rằng, Quyết định số 02 nói trên của Cơ quan điều tra chưa làm rõ hết bản chất của vụ việc. Thứ nhất, đây là một Thỏa thuận đầu tư chứ không phải hợp đồng kinh tế như công an nhận định. Thứ hai, từ trước đến nay chưa có văn bản nào bà Toàn đồng ý giải quyết dân sự. Thứ ba, bà Toàn nghi ngờ việc nhóm bà Tuyết bán cho bà Công ty Haviland là bán “vịt trời” vì từ khi thành lập, Công ty Haviland chưa triển khai một dự án nào.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc (Hà Nội) phân tích: Trước hết, phải khẳng định, thỏa thuận kế hoạch đầu tư giữa bà Trần Thị Toàn và nhóm 5 người bên phía bà Lê Thị Bạch Tuyết là chính xác (có bản xác nhận đối chiếu của 2 bên).
Tuy nhiên, như phân tích ở trên, việc bên phía bà Lê Thị Bạch Tuyết sau khi nhận gần 72 tỷ đồng đã không thực hiện đúng như cam kết là có cơ sở, có một số vấn đề không rõ ràng.
Thứ nhất, đó là khoản tiền mua nợ tại Ngân hàng BIDV. Theo báo cáo tài chính của PVIT thì khoản nợ được mua là hơn 30 tỷ.
Nhưng phía bà Tuyết lại xác nhận là 32 tỷ. Vậy số tiền gần 2 tỷ ai hưởng; Hiện nay theo báo cáo tài chính của PVIT thì đây Công ty Nga Hồng Khánh (Cty này được thành lập để mua khoản nợ xấu của PVIT tại ngân hàng) thành chủ nợ của PVIT.
Vậy quyền lợi của bà Toàn như thế nào? Đặc biệt, bà Tuyết đã giảm nợ cho PVIT, việc này có được sự đồng ý của bà Toàn hay không, bởi không có trong thỏa thuận.
Thứ hai, đối với Công ty Haviland được mua với số tiền 8 tỷ, số tiền này ai hưởng, có hợp pháp hay không?
Thứ ba, Công ty Havilland có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hiện nay công ty này còn vốn chủ sở hữu là bao nhiêu. Số tiền 12 tỷ chuyển vào Công ty Haviland dùng ký quỹ tại Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An có hợp pháp hay không. Vấn đề hiện nay theo phía bà Tuyết là đã bàn giao Công ty Haviland cho bà Toàn. Vậy việc chuyển giao này như thế nào? Theo hướng mua cổ phần của các cổ đông công ty hay mua cả công ty?
Thứ tư, số tiền chuyển trả bồi thường cho Dự án Hưng Lộc bằng tiền của bà Toàn, vậy việc trả tiền này được thực hiện theo thỏa thuận nào với PVIT, quyền lợi của bà Toàn như thế nào trong dự án của Hưng Lộc?
Thứ năm, đối với khoản tiền hơn 6 tỷ mua cổ phần của PVIT. Theo thỏa thuận việc mua cổ phần của PVIT do bà Lê Thị Kim Ngân có trách nhiệm phối hợp với ông Trần Lương Sơn để thu gom hết cổ phần còn lại của PVIT (giá mua từng đợt sẽ được thống nhất với bà Trần Thị Toàn). Sau từng đợt sẽ chuyển cho Công ty HanviLand nắm giữ. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc mua cổ phần của PVIT do người khác thực hiện với giá mua cao hơn nhiều so với thực tế mất trên 4 tỷ đồng.
Qua phân tích, luật sư Tuấn cho rằng, vụ việc có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do nhiều người thực hiện.
“Hiện nay, sau khi nhận được Quyết định 02 ngày 22/6/2021 của Công an tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã có đơn khiếu nại sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An để tiếp tục vụ việc”, đại diện cho bà Toàn xác nhận.
Trong khi đó, trao đổi với bà Lê Thị Bạch Tuyết về vấn đề này, bà Tuyết cho biết, bản chất của hợp tác này là cho vay tài chính. Vì vậy, "tôi sẽ trả cho bà Toàn như những bản đối chiếu mà tôi đã xác nhận. Tôi đã nhiều lần gửi yêu cầu đến bà Toàn để trả nhưng bà ấy chưa đồng ý".
Phản bác lại lời bà Tuyết, bà Trần Thị Toàn cho rằng, nhiều lần bà đã ủy quyền cho luật sư đến tiếp nhận những tài sản phía bên bà Tuyết đã mua, đồng thời yêu cầu giấy tờ gốc cho số tài sản đó nhưng phía bà Tuyết thoái thác không giao.
Được biết, ngày 21/6/2021, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản số 1994/QĐ-UBND, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với PVIT, địa chỉ tầng 23-24, Tòa nhà PVIT, số 7, đường Quang Trung, TP Vinh, người đại diện pháp luật là ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc.
Theo quyết định xử phạt, PVIT đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị trong trường hợp diện tích từ 0,5ha đến dưới 1ha, vi phạm quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 3; điểm d, khoản 4 và khoản 5, Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Cụ thể, PVIT đã sử dụng hơn 8,3 ngàn m2 đất trên thực địa tại xã Hưng Lộc, TP Vinh để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án gồm đường giao thông, vỉa hè, mương thoát nước khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất theo quy định của pháp luật.
Với hành vi trên, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt PVIT số tiền 600 triệu đồng. Đồng thời, buộc đơn vị này thực hiện tiếp thủ tục giao đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất theo quy định. Thời gian thực hiện trong 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.