Từ việc xây dựng nông thôn mới (NTM) bộ mặt nhiều làng quê thay da đổi thịt, khang trang, sạch, đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên nhiều. Tuy nhiên, ở một số địa phương, do cán bộ thiếu trách nhiệm, trục lợi cá nhân, khiến việc xây dựng NTM có sai phạm. Sai phạm trong xây dựng NTM ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) là một ví dụ.
Mặt đường bong tróc xi măng trơ đá.
Đường chất lượng kém
Quảng Tân là thôn tích cực thực hiện chủ trương xây dựng NTM ở xã Nam Tân. Các tiêu chí về làm đường giao thông nông thôn, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương... nhanh chóng hoàn thành, góp phần để xã Nam Tân về đích sớm trong xây dựng NTM (Cuối năm 2015, xã Nam Tân được tỉnh Hải Dương công nhận là xã đạt chuẩn NTM).
Niềm vui qua đi, con đường bê tông hoàn thành cuối năm 2015, mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Mặt đường bong tróc lớp xi măng trên bề mặt, trơ ra toàn đá. Người dân đã đề nghị với chính quyền xã để làm rõ vấn đề này.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” một số đoạn đường xuống cấp ở xóm Đông, anh Nguyễn Văn Thùy (thôn Quảng Tân) bức xúc: “Con đường này vừa làm xong đã bụi mù lên, có đoạn mủn ra như vữa xây.
Mưa xuống là mặt đường bị bong lớp xi măng trên bề mặt. Mặc dù lúc đang làm đường, phát hiện kém chất lượng, người dân đã đề nghị dừng, nhưng Bí thư chi bộ và Trưởng thôn vẫn nói là bảo đảm chất lượng và quyết tâm làm”.
Thêm vào đó, độ dày của con đường cũng không được đúng như Nghị quyết của thôn Quảng Tân ban hành năm 2015. Ông Trần Văn Hát (thôn Quảng Tân) cho biết: “Theo như thiết kế đã phê duyệt và công bố trước dân thì con đường phải dày 18cm, nhưng thực tế chỗ chỉ được 16cm, chỗ thì được 17cm”.
Để thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn, ngoài số xi măng được tỉnh hỗ trợ, thôn Quảng Tân thu tiền đóng góp làm đường của nhân dân để trang trải chi phí khác.
Đáng chú ý, việc thu tiền làm đường của thôn Quảng Tân mang tính “tận” thu, không trừ một ai. Cụ thể, mỗi khẩu ở thôn Quảng Tân phải đóng 500 nghìn đồng/năm (đóng làm 2 vụ) để làm đường, chưa kể các khoản đóng góp khác.
Ngày 29/7/2016, UBND xã Nam Tân nhận được đơn đề nghị của một số công dân thôn Quảng Tân. Sau khi nhận đơn kiến nghị của người dân Quảng Tân, lãnh đạo xã Nam Tân đã thành lập Tổ xác minh do ông Trịnh Đại Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm tổ trưởng.
Ngày 30/8/2016, Tổ đã ra Thông báo số 102/TB - UBND về kết quả xác minh, nêu rõ: “Một số đoạn đường kém chất lượng, đúng như phản ánh của người dân.
Nguyên nhân do trách nhiệm của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn chưa sát sao, trách nhiệm của Ban giám sát xây dựng chưa tốt. Việc thay đổi công nghệ trong trộn đảo bê tông như: không đảo trực tiếp tại chỗ mà đảo tại một chỗ khác sau đó chở đến vị trí đổ, dẫn đến bê tông phân tầng, bộ phận thợ thi công không đảo lại, cứ thế san ra, xi măng rắc làm mặt ít. Mặt khác, số xi măng cấp cho đủ làm đường 967m nhưng thôn làm 1.195,5m và xây máng hết 40 bao dẫn đến một số đoạn đường bị hỏng bề mặt”.
Trao đổi, ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết, xã đang cho xác minh sự việc, rà soát và đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành các việc theo ý kiến đề nghị của công dân.
Nói về chất lượng con đường đoạn làm cuối năm 2015, ông Toan cũng thừa nhận chất lượng mặt đường của đoạn đường cuối năm có kém hơn so với các tuyến đường khác...
Kết quả đo lại ruộng (gần nhất) nhiều hộ thừa hàng trăm đến hơn nghìn mét vuông.
Dân mất ruộng, cán bộ...được thêm ruộng?
Sau khi phát hiện sai phạm trong làm đường giao thông, người dân Quảng Tân tiếp tục phát hiện nhiều sai sót của cán bộ thôn trong thực hiện dồn ô đổi thửa, thu chi, khai khống số liệu nhằm trục lợi.
Ông Trần Văn Hát cùng một số người dân thay mặt cho nhân dân thôn Quảng Tân, tham gia vào đoàn kiểm tra cho biết: Người dân đã đề nghị xã kiểm tra lại và kết quả mới nhất từ đoàn kiểm tra của xã cho thấy diện tích ruộng chia thừa sau giai đoạn dồn ô đổi thửa lên đến trên 26.000m2.
Theo danh sách, toàn thôn Quảng Tân có 336 hộ, đã có trên 200 hộ thừa và thiếu diện tích ruộng, trong đó có hơn 160 hộ thừa diện tích ruộng, với tổng diện tích trên 26.000m2, 47 hộ thiếu với diện tích hơn 3.300m2.
Trong số 160 hộ thừa ruộng, đáng chú ý, có nhiều hộ tăng thêm lại chính là những cán bộ, người nhà của cán bộ thôn và thành viên tổ chia ruộng.
Đơn như ông Tân Văn Diện (Tổ trưởng Tổ chia ruộng đội 2) thừa 1.094m2, ông Đỗ Văn Thiều (thành viên tổ chia ruộng đội 2) thừa 1.246m2 và ông Hoàng Văn Bến (thành viên tổ chia ruộng đội 1) thừa 380m2...
Ngoài các sự việc trên, người dân Quảng Tân còn có thêm bức xúc về việc ghi chép các khoản chi cho làm đường, chỉnh trang đồng ruộng, mương máng nội đồng… không diễn giải cụ thể.
Ông Hát bức xúc: Giá loại cát An Bài trên thị trường theo chúng tôi được biết là 170.000 đồng/khối và giá đá là 230.000 đồng/khối nhưng trong bảng quyết toán chi lại ghi giá cát 310.000 đồng/khối và đá là 270.000 đồng/khối...
Thông báo số 102/ TB – UBND, ngày 30/8/2016 của UBND xã Nam Tân đề nghị Đảng ủy xã chỉ đạo chi bộ Quảng Tân tiến hành kiểm điểm về Đảng trước chi bộ đối với ông Trần Thanh Dũng là Bí thư chi bộ, ông Đỗ Văn Hiển, Trưởng thôn, ông Tân Xuân Diện, cán bộ thanh tra nhân dân.
Còn nói về việc xử lý đối với diện tích ruộng thừa, ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: Đối với diện tích ruộng chia thừa cho các hộ, xã sẽ cho thu hồi lại, giao cho các gia đình khác có nhu cầu.
Sự việc thôn Quảng Tân làm đường giao thông nông thôn, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng nhưng giám sát không chặt chẽ dẫn đến chất lượng công trình kém, gây ra thất thoát nguồn lực nhà nước (UBND tỉnh Hải Dương hỗ trợ xi măng cho các địa phường làm đường giao thông nông thôn) và nhân dân, khiến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cơ sở bị giảm sút. Đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng cần sớm xử lý dứt điểm.