Quốc hội

Lũng đoạn, đẩy giá khiến người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao

Quang Vinh, Việt Thắng 21/10/2024 12:36

Ngày 21/10, thẩm tra báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị nhiều vấn đề cần quan tâm.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những thành tựu cơ bản, tình hình kinh tế-xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.

Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, việc đạt được mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn chưa chuyển biến rõ nét. Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; lạm phát chịu áp lực lớn hơn trong những tháng cuối năm.

z5951711969309_2d0915252a2ef6192ac2c88ba6b6727c.jpg
Ông Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước. Theo ông Thanh, có ý kiến cho rằng, với cùng một hệ thống pháp luật, thực tế kết quả triển khai ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là khác nhau, vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân 1 tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.

Uỷ ban Kinh tế đánh giá, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

z5951841045080_b061d1cb538517025ed7be537218b6de.jpg
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tham dự phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 8 (Ảnh: Quang Vinh)

Đặc biệt, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.

Tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.

Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận định, Chính phủ số và kinh tế số chưa phát huy hết tiềm năng. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa thực sự hấp dẫn, làm giảm động lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ mới để triển khai các giải pháp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như tái chế, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải các-bon.

"Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính"-ông Thanh nói.

Cùng với đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn; tình trạng quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa có giải pháp xử lý triệt để. Tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình hình tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, trong đó có những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Ông Thanh chỉ rõ, một số loại tội phạm và tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp. Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn gặp nhiều thách thức. Tội phạm về trật tự xã hội còn xảy ra nhiều, nổi lên là tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, mua bán người, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu là lừa đảo qua mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi, khó phát hiện, đấu tranh. Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra những vụ tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lũng đoạn, đẩy giá khiến người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao