Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng không thể phủ nhận giá trị văn hóa của nó. Tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm khi khu di chỉ khảo cổ bị xâm hại?
Khu khảo cổ di chỉ Vườn Chuối (bao gồm gò Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng) được phát hiện năm 1969.
Trải qua những đợt khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích: Mộ táng, vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, hố đất đen, dải gốm đất nện, cụm gốm, vết tích ao hồ cổ và nhiều hiện vật chủ yếu đồ đá, đồng, gốm và đồ gỗ.
Hiện nay khu di chỉ này nằm trong phạm vi Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex là chủ đầu tư.
PGS.TS Bùi Văn Liêm (Chủ nhiệm Dự án khai quật khảo cổ học theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL) cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang khai quật ở phía Đông. Kết quả tìm thấy di vật rất tốt. Đặc biệt là những mộ táng còn nguyên vẹn và có nhiều hiện vật. Về vấn đề này sẽ có một cuộc báo cáo, hội thảo với các cơ quan chuyên môn và cơ quan thông tấn báo chí”.
Điều đáng lo ngại là tại khu khảo cổ di chỉ này đang đứng trước nguy cơ mất mát cổ vật vì bị đào trộm. Ông T., một người dân Lai Xá (xin được giấu tên) cho biết: Thời gian gần đây tại khu vực khu khảo cổ thường xuyên xuất hiện một số đối tượng lạ mặt, chính điều này khiến cho người dân lo ngại về việc cổ vật sẽ tiếp tục bị đánh cắp.
Bên cạnh đó, người dân cũng cho biết đơn vị thi công Thăng Long 9 đã có dấu hiệu xâm phạm, khi bị phát hiện thì lại phủ nhận.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cũng nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra phương án bảo tồn dưới sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội nhưng chỉ vì mấy video clip và ý kiến của những người không thuộc đoàn khai quật đã thành chuyện. Tôi nghĩ di chỉ Vườn Chuối vẫn đang được bảo vệ. Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu khai quật để đưa ra phương án bảo tồn tốt nhất cho Vườn Chuối và chưa có báo cáo cuối cùng. Không có vấn đề gì, không ai vào đây phá cả.
Thành phố đã có nhiều công văn đề nghị nghiên cứu để đưa ra phương án bảo tồn. Khi có kết quả nghiên cứu rồi thì thành phố sẽ lập các dự án để đưa ra các phương án có thể vừa bảo tồn, vừa giữ gìn để phát huy giá trị một cách tốt nhất. Không phải người của đoàn khai quật nói thì không có giá trị gì cả”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thúy, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Hoài Đức, Hà Nội nói: “Khu khảo cổ Vườn Chuối đang được Viện Khảo cổ học, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội khai quật. Địa phương phối hợp cùng. Tôi chỉ có một số thông tin thôi. Cơ bản mặt bằng đã bàn giao lại, có công an bảo vệ, địa phương phối hợp. Dân cứ hơi tý lại có ý kiến phản ánh thì suốt ngày tiếp báo chí”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề công tác bảo vệ khu di chỉ thì ông Thúy cho biết vấn đề đấy thuộc về Công an.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ khu di chỉ khảo cổ, PGS.TS Bùi Văn Liêm cho biết: “Viện Khảo cổ học, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội đang khai quật 150m2 trong đó có 50m2 khai quật và 100m2 là thăm dò. Hiện trạng khu Vườn Chuối bây giờ chưa có hoạt động lớn về đường 3.5. Lần khai quật năm 2020 trong 150m2 thì theo chỉ đạo của thành phố tập trung vào phía Đông. Kiến nghị của đoàn khai quật là sẽ bảo tồn 6.000m2 ở phía Đông và khai quật di dời 6.000 m2 ở phía Tây Vườn Chuối. Phía Tây Vườn Chuối lại thuộc về đường 3.5.
Hiện tại, đoàn đang khai quật và xử lý các mộ, việc xâm phạm hay không xâm phạm chính lại là ở gò Dền Rắn và Mỏ Phượng thì các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra và có biên bản lập có hiện tượng người ta vượt đất đổ lên khu Dền Rắn và khu Mỏ Phượng. Việc này cũng ảnh hưởng đến di tích trong khi chưa được khai quật di dời. Hai khu này sẽ nằm trong diện di dời để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở của thủ đô Hà Nội”.
“Vấn đề xâm phạm ảnh hưởng thì trước đây đã có và các nhà chuyên môn cũng rất quyết liệt, đã đến kiểm tra hiện trường. Hiện chúng tôi đang quản lý khu đấy, về việc có xâm phạm hay không thì với tư cách là những nhà chuyên môn là cơ quan đang tiến hành khai quật ở đó sẽ kiến nghị ngay với Sở VHTT Hà Nội để có những biện pháp” - PGS.TS Bùi Văn Liêm cho biết thêm.
Điểm d, Khoản 1 Điều 28 Luật Di sản văn hóa quy định địa điểm khảo cổ được xếp hạng di tích phải là: “Địa điểm có giá trị tiêu biểu về khảo cổ”. Đối chiếu với thực tế khai quật được tại khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối từ năm 1969 đến nay, không lẽ các giá trị của cổ vật, di vật chưa đủ để xếp hạng di tích? Phải chăng ngành văn hóa đang lúng túng với chính chuyên môn của mình?
Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch được phê duyệt chồng lấn lên khu di chỉ khảo cổ chính là nguồn cơn của nguy cơ xâm phạm. Dư luận băn khoăn, đó là sự vô tình hay cố ý? Câu hỏi được đặt ra, khi phê duyệt Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cơ quan chức năng có thực tế khảo sát hay chỉ ngồi nhà để phê duyệt?
Xin đừng quay lưng với lịch sử, bởi hiểu được quá khứ, trân trọng quá khứ là nền tảng để hướng tới tương lai, đó vừa là đạo lý vừa là truyền thống của dân tộc. Ông cha ta đã từng răn dạy “Sông có nguồn, cây có cội”.