Vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, tiềm ẩn những lo ngại làm lây lan Covid-19 ra cộng đồng. Theo ông Nguyễn Bá Sơn - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cần phát huy “tai mắt” của người dân để phòng chống dịch.
PV:Thưa ông, liên tiếp trong tuần qua đã phát hiện một số trường hợp nhiễm Covid-19 là người nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đã có sự lơi lỏng trong kiểm soát phòng chống dịch. Còn cá nhân ông thì nghĩ sao?
Ông Nguyễn Bá Sơn: Tình trạng người nhập cảnh trái phép vào nước ta ở thời điểm này có hai yếu tố tác động. Thứ nhất, đường biên giới quốc gia của ta hầu hết là đường biên giới trên bộ. Có những chỗ, những đoạn được ngăn cách bởi những dòng sông có thể lội qua được.
Việc bố trí, kiểm soát dọc biên giới vô cùng phức tạp dù các lực lượng nỗ lực hết sức. Với đường biên giới như vậy, khó có thể bịt kín được cả toàn tuyến biên giới rất dài. Đó là khó khăn thực tế chứ không phải do chểnh mảng trong việc tuần tra biên giới. Các lực lượng chức năng đã kiểm soát bằng tất cả năng lực hiện có.
Những đợt dịch diễn ra vào đầu năm và giữa năm rơi vào thời điểm bình thường nên việc nhập cảnh trái phép qua biên giới có mức độ ít hơn so với thời điểm hiện nay.
Bởi ngoài việc người nước ngoài tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, còn có người Việt Nam đi lao động ở các nước giáp biên giới cuối năm nhập cảnh trái phép, trốn cách ly để về quê ăn Tết. Nếu nhập cảnh theo đúng quy định sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, bị cách ly. Cho nên một số người đã tìm cách xâm nhập trái phép.
Đây là việc khá lo ngại bởi những người này có thể trở thành đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mang dịch Covid-19 trở lại và làm lây lan ra cộng đồng.
Cũng đã có một số vụ tổ chức nhập cảnh trái phép được cơ quan chức năng bắt giữ, truy tố, nhưng vẫn xảy ra tình trạng vi phạm. Theo ông đó là do hình phạt chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe hay do khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa ngấm đến với người dân?
- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là câu chuyện thường xuyên liên tục và không bao giờ dừng lại. Theo tôi cần phân biệt ra hai việc. Thứ nhất, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân. Qua đó người dân có hành động đúng đắn theo quy định của pháp luật. Đảm bảo, bảo vệ đời sống của chính họ. Nhưng bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận rằng đã là tội phạm thì đối tượng bất chấp pháp luật.
Bởi theo nhận thức của họ, cái lợi thu được còn quan trọng hơn và họ sẵn sàng tìm mọi cách để né tránh khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc khởi tố, xét xử đối với người tổ chức đưa người khác nhập cảnh trái phép đã được các cơ quan chức năng làm nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Vi phạm trong quá trình phòng chống dịch đều được xử lý nghiêm.
Cho nên để nâng cao công tác kiểm soát, phòng chống dịch thì phía Nhà nước, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích để mọi người chấp hành. Nhưng ở đây chúng ta cần dựa vào dân, bởi sự giám sát của nhân dân chính là “tai mắt” để phát hiện mọi vi phạm. Dù tội phạm có cỡ nào đi chăng nữa cũng bị người dân phát hiện ra và giờ là lúc khơi dậy sự vào cuộc của người dân trong phòng chống dịch Covid-19.
Như vậy, rất cần sự chủ động hợp tác của người dân, thưa ông?
- Quan trọng nhất chính là thái độ và sự hợp tác của người dân phải được quán triệt và nâng cao một cách đầy đủ. Ví dụ có câu chuyện khi con trai về nhà thì chính người mẹ đã gọi điện báo cho cơ quan phòng chống dịch. Điều đó cho thấy người dân đã nhận thức khá đầy đủ về nguy hiểm của sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh từ phía bên ngoài vào trong nước. Nhưng thực tế đâu đó vẫn còn những trường hợp chưa thực sự thấm nhuần nhận thức về tác hại của dịch bệnh. Vì thế, cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là tại các tuyến biên giới.
Người dân phải trở thành “tai mắt”, giúp cho Nhà nước kiểm soát dịch. Đó mới là vấn đề mấu chốt bởi không thể đủ lực lượng chức năng để giăng khắp các nơi. “Lưới trời” chính là nhân dân, người dân chính là chủ thể của phòng chống dịch, chỉ có nhân dân mới giúp kiểm soát dịch tốt hơn. Tôi nói ví dụ thời chiến tranh tại sao địch không thể lọt vào trong làng xóm? khu dân cư? Bởi chỉ cần có dấu vết lạ ở biển, bìa rừng thì lập tức người dân đã báo cho lực lượng chức năng để truy tìm dấu vết. Bây giờ trong thời điểm “chống dịch như chống giặc” có lẽ cần kích hoạt lại tinh thần đó. Đây cũng chính là việc người dân bảo vệ cho bản thân mình và gia đình. Bởi nếu để dịch lây lan ở trong cộng đồng sẽ tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của mỗi người dân và cộng đồng. Do vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ và cùng với Nhà nước tham gia phòng chống dịch hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!