Cuộc họp ngày 18/11 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo, một lần nữa cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Ban Chỉ đạo cho biết sẽ sớm đưa ra xét xử nhiều vụ án quan trọng; thúc đẩy quá trình hoàn thiện hồ sơ để xét xử nhiều vụ việc; bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đây đều là những vụ việc, vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đầu tư lớn, chất lượng kém.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, kể từ sau Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo; đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 7 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án /98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo; đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ, từ nay đến hết năm 2019 sẽ kết thúc điều tra 6 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 2 vụ án; kết thúc xác minh 17 vụ việc; trong đó sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 5 vụ án nghiêm trọng, phức tạp.
Nhìn vào những vụ án sắp xét xử, những vụ việc đang hoàn tất xác minh, cũng như 2 vụ án đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (với các tội danh buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng), có thể thấy phạm vi và mức độ phạm tội rất lớn; đồng thời cũng có thể thấy hành vi phạm tội có một “mẫu số chung”, bao gồm: Lĩnh vực đất đai; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Và, thêm một tội danh nữa: Rửa tiền.
Đây đều là những hành vi phi pháp bắt đầu từ những người được giao quyền, trách nhiệm về tài chính cũng như quản lý nhà nước. Họ đã lợi dụng quyền lực được giao, cấu kết, lập bè nhóm chiếm đoạt của công, gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Tất cả những vụ án đó đều được những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham lam, coi thường pháp luật thực hiện. Họ những tưởng bàn tay che kín Mặt Trời, tưởng như ê-kíp họ lập ra là rất chắc chắn, rất an toàn. Nhưng “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, những kẻ sâu mọt đó rồi cũng sẽ phải đối diện với luật pháp, sẽ bị trừng trị một cách nghiêm khắc.
Nhìn vào những vi phạm kể trên cho thấy đất đai, tài sản công, ngân sách là những lĩnh vực bị cán bộ hư hỏng lợi dụng, xâm phạm nhiều nhất. Đây được coi là những lĩnh vực “nhạy cảm”, rất cần những con người liêm chính đứng mũi chịu sào. Nhưng tiếc thay, công tác cán bộ dù được đánh giá là bài bản, chặt chẽ, khoa học nhưng vẫn còn để những kẻ tâm địa xấu xa, tham lam lọt vào, không những thế còn leo cao luồn sâu. Đó chính là hành vi phá hoại từ bên trong và hậu quả để lại bao giờ cũng rất nặng nề. Vì thế, một lần nữa cần nhận thức một cách rõ ràng hơn, kiên quyết hơn trong việc lựa chọn cán bộ, cất nhắc bổ nhiệm cán bộ- nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực. Mặt khác, rất cần có sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát thường xuyên; thật sự lắng nghe và tôn trọng dư luận để sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý sai phạm, không để sự việc diễn biến phức tạp, nặng nề.
Trong những vụ án “điểm” lần này, đáng chú ý khi Ban Chỉ đạo đưa vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó có tội danh “rửa tiền”. Ngày 7/6/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền. Từ đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN. Năm 2009, Trung tâm này sáp nhập với 3 đơn vị khác để thành lập Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và đổi tên thành Cục Phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, chưa có vụ “rửa tiền” lớn nào bị vạch mặt chỉ tên. Thì nay, với vụ Nhật Cường, nhóm tội phạm “mới” và cực kỳ nguy hiểm này sẽ phải đối diện với pháp luật. Rửa tiền được hiểu là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là “hợp pháp”. Có thể xếp tội phạm rửa tiền làm 3 nhóm: Buôn lậu; tham nhũng; trốn tránh thuế. Trong trường hợp Nhật Cường, rồi đây các cơ quan chức năng sẽ làm rõ thuộc nhóm tội phạm nào.
Như vậy, cuộc họp ngày 18/11 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã bao quát nhiều hành vi phạm tội, trong đó nổi rõ ở những lĩnh vực nhạy cảm, kể cả tội phạm “rửa tiền”. Điều đó cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thoái hóa biến chất ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng quyết liệt.