Từ những chủ trương đúng đắn cùng sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Mặt trận cơ sở mà đời sống của bà con xã Kim Tân (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nói riêng, thôn B Lôm nói riêng từng bước có những đổi thay đáng kể.
Xã Kim Tân ngày trước là thôn Kim Tân thuộc xã Pờ Tó (huyện Ayun Pa). Tháng 10-1998, sau hai lần xã Pờ Tó chia tách, xã Kim Tân ra đời, gồm có 5 thôn, làng. Do đó, trong ký ức của những người dân nơi đây vẫn không thể nào quên được cuộc sống gian khổ của những ngày đi khai đất lập làng, trải qua biết bao gian khổ tại nơi rừng sâu núi thẳm. Nhưng bằng sự quyết tâm, bằng tinh thần đoàn kết mà họ đã dần vượt qua được những khó khăn.
Ông Kpă Phing, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Thôn B Lôm, xã Kim Tân cho biết, trong những năm qua, cán bộ Mặt trận cơ sở đã cùng với Bí thư Chi bộ, các cấp chính quyền địa phương đi đến từng nhà, rà soát từng người để tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn B Lôm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế. Trong đó phải kể đến việc vận động bà con nhân dân di dời 113 căn nhà sàn về nơi ở mới theo chủ trương của cấp trên. Việc vận động không dễ dàng như trong suy nghĩ của nhiều người vì lâu nay bà con đã quen với từng gốc cây, bụi cỏ, đã ăn đời ở kiếp nơi đây.
Hiểu được tâm tư của bà con, ông Kpă Phing đã đưa ra những lý giải có lý, có tình nên bà con đã gật đầu chấp thuận. Những ngôi nhà mới, bản làng mới được xây dựng tại những vùng đất mới. Những mái nhà tạm bợ lùi xa, điện, đường, trường, trạm được xây dựng kiên cố để đáp ứng nhu cầu của bà con nơi đây.
Ông Kpă Phing nhớ như in ký ức của những năm về trước khi đời sống của bà con vẫn chỉ phụ thuộc vào núi rừng, vào những ngày đi săn bắt, hái măng rừng nên thu nhập luôn bấp bênh. Đặc biệt, vào cuối năm 1978, những hộ dân đầu tiên từ huyện Kim Bảng của tỉnh Hà Nam Ninh cũ đã tìm đến đây khai sơn, lập địa. Cùng với những hộ người Kinh định cư từ trước năm 1975 hình thành nên làng mạc, bà con nhân dân sống chan hòa với nhau.
“Ngày ấy, ở nơi đây, việc giao thương với bên ngoài chỉ có lối mòn độc đạo vượt qua đèo Ia Pa bằng đôi chân trần. Sốt rét rập rình quanh năm, sốt xuất huyết tràn về mỗi mùa mưa đến. Cuộc sống không chỉ thiếu thốn, khó khăn mà còn nơm nớp nỗi lo bị bọn Fulro phá hoại nên một số hộ đã chuyển đi. Thêm mấy đợt đưa dân làm kinh tế mới đến, được chừng 100 hộ vào cuối năm 1979”-ông KPă Phing chia sẻ.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ban đầu, bằng tư duy đổi mới và sức người khai phá mà đời sống của bà con thay đổi. Những cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, ca cao… lần lượt được trồng mới với diện tích năm sau luôn cao hơn năm trước.
Ông Trương Minh Khang, Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết, tuổi thơ của ông cũng như bao người dân nơi đây là đi bộ trên con đường đất gập ghềnh bụi mù khi trời nắng, trơn lầy khi trời mưa đến ngôi trường vách ván, mái tranh, nền đất. Những đứa trẻ ngoài thời gian đến lớp, đều phải phụ giúp bố mẹ không chỉ công việc nhà mà cả việc ngoài đồng. Nhặt nhạnh từ củ măng, cái nấm; bẫy thú bắt chim, bắt con cua con cá lo bữa cơm hàng ngày.
Nhưng đó là câu chuyện xưa rồi. Đến hôm nay, Kim Tân đang căng mình vươn tới đích xã nông thôn mới. Tuy chưa có quyết định công nhận thị tứ hay thị trấn nhưng dọc con đường Trường Sơn Đông, khu vực trung tâm xã đã không thể tìm thấy dấu xưa của những mái nhà tạm bợ. Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc được xây dựng kiên cố, khang trang, khuôn viên rộng thoáng rợp bóng cây xanh.
Thành công này có được là do hệ thống chính quyền các cấp cùng bà con nhân dân trong xã đoàn kết một lòng. Hệ thống Mặt trận từ huyện, xã cho đến địa bàn dân cư đã luôn thực hiện đúng chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế. Nói như ông Trương Minh Khang thì đoàn kết chính là chìa khóa mở cánh cửa làm thay đổi đời sống của bà con nơi đây.